Nếu như cách đây 20 năm trở về trước, các vụ án sát hại người
thân xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình, say rượu, ghen tuông, tranh
chấp đất đai… thì nay điểm chung nhất của kẻ thủ ác đó là nghiện ma túy
đá.
Trong năm 2020, TAND TP HCM tuyên phạt tử hình 2 bị cáo gây ra 2 vụ
án chấn động dư luận, sát hại tổng cộng 7 người trong gia đình. Do
nghiện ma túy đá bị ảo giác, Trương Tín (SN 1990; ngụ quận Bình Tân, TP
HCM) lúc nào cũng nghĩ những người thân của mình là robot muốn sát hại
mình nên Tín phải “ra tay trước để trừ hậu họa”. Đêm 2/5/2019, sau khi
sử dụng ma túy, Tín cự cãi với mẹ mình rồi đập phá đồ đạc và dùng 2 con
dao sát hại cả 3 người thân ở cùng nhà là bà ngoại, mẹ và dì ruột của
mình.
Nguyễn Hoàng Nam (SN 1993; ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM) sinh ra trong
gia đình có hai chị em ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn. Từ thuở thiếu niên,
Nam là một đứa trẻ hư, chơi bời lêu lổng. Đến lúc trưởng thành, y tham
gia vào một vụ cướp tiệm vàng và bị kết án 11 năm tù giam.
Cùng thời điểm này, cha Nam là ông Nguyễn Văn Đức (SN 1969) và mẹ là
bà Trịnh Thị Bé Hai (tên thường gọi là Dân, SN 1965) cũng ra tòa ly dị.
Bà Dân ở lại căn nhà chung, ông Đức về nhà mẹ ruột (bà Nguyễn Thị Liêng)
ở xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) sinh sống.
Tháng 6/2018, Nam ra tù. Để Nam tu chí làm ăn, gia đinh cưới vợ cho
y. Nhưng do tính khí ngang tàng, chỉ sau 3 tháng chung sống, người vợ bỏ
đi vì không chịu nổi những trận đòn roi của chồng.
Chia tay vợ, Nam làm quen với chị H.N, cháu ngoại của bà Bùi Thị Nết
(ngụ huyện Cần Đước, tỉnh Long An). Do sử dụng ma túy lâu năm bị tàn phá
hệ thần kinh nên trong đầu Nam luôn nghĩ gia đình mình và bà ngoại chị
H.N đang tìm cách để ngăn cản tình yêu của mình. Từ đó, Nam âm mưu sẽ
giết chết tất cả.
Ngày 12/3/2019, sau khi giết chết bà Bùi Thị Nết ở Long An, Nam chạy
về xã Tân Hiệp giết chết mẹ rồi sang Xuân Thới Thượng giết chết cha và
bà nội. Tiếp đó y sang xã Tân Xuân với ý định tìm giết chị ruột của mình
thì bị bắt giữ.
Sự tác hại ghê gớm của ma túy đá đến hệ thần kinh còn thể hiện rõ nét
hơn ở vụ án Đặng Văn Tuấn giết chết em dâu trong căn nhà ở quận 1 từng
gây chấn động dư luận. Sau khi thi hành xong 7 năm tù về tội “mua bán
trái phép chất ma túy”, Tuấn về ở với em trai là Đặng Văn Thành cùng
người vợ không hôn thú của Thành là Bùi Mỹ Hạnh.
Do Thành đi làm xa, còn Tuấn và Hạnh ở nhà sử dụng ma túy nên đôi bên
phát sinh tình cảm. Sau một thời gian, phát hiện ra Tuấn có thêm “người
khác”, Hạnh ghen tuông đòi cho giang hồ “xử” Tuấn. Trong cơn ngáo đá,
Tuấn bực tức sát hại Hạnh rồi ở cùng xác Hạnh suốt 2 ngày liền.
Qua các vụ việc trên cho thấy, những kẻ gây tội ác tày đình bởi ma
túy đá đều sinh ra trong gia đình không êm ấm và bản thân từng vào tù ra
khám. Theo một khảo sát của Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội đối
với 500 đối tượng phạm tội giết người và 500 đối tượng phạm tội “cố ý
gây thương tích” cho thấy, có đến 46% số người phạm tội xuất thân từ gia
đình thuộc thành phần phức tạp; 18% có hoàn cảnh gia đình cha mẹ đã ly
hôn phải sống với anh chị, ông bà từ nhỏ; 14% sống trong gia đình có văn
hóa ứng xử thấp; 7% xuất phát từ gia đình giàu có nhưng có lối sống
buông thả, ích kỷ, sĩ diện hão hoặc nuông chiều nhau thái quá; 11% có
hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn và 4% xuất phát từ gia đình bình
thường. Đặc biệt, có đến 43% số đối tượng gây án có tiền án, tiền sự.

Sau khi giết chết 4 người thân, Nguyễn Hoàng Nam vẫn còn trong cơn ngáo đá.
Cũng chính các đối tượng thuộc thành phần phức tạp là nơi sản
sinh ra các con nghiện ma túy, đặt biệt là ma túy đá. Mà tác hại ghê gớm
của ma túy đá là chuyện không còn gì phải bàn cãi. Người sử dụng ma túy
đá trong khoảng thời gian dài dẫn đến bị loạn thần, ảo thanh, ảo giác,
tự kỷ, không kiểm soát được hành vi và gây ra nhiều hậu quả đau lòng.
Thế nhưng theo thống kê của Công an TP HCM, có đến 80-90% số người
dương tính với chất ma túy được phát hiện không có trong danh sách quản
lý tại địa phương. Nguyễn Hoàng Nam, kẻ giết 4 người đề cập ở trên là 1
ví dụ, y không có trong danh sách người nghiện do địa phương quản lý.
Theo hướng dẫn từ Viện nghiên cứu tâm lý người nghiện ma túy (PSD),
khi phát hiện ra con em mình bị nghiện ma túy, các bậc phụ huynh phải
nhìn thẳng vào sự thật và bình tĩnh xử lý. Nếu lập tức phản đối gay gắt,
giận dữ, hăm dọa, quát tháo thì người con sẽ im lặng, rụt rè hoặc quanh
co, nói dối là mình không sử dụng. Còn nếu phụ huynh khôn khéo, nhẹ
nhàng phân tích tác hại, hậu quả lâu dài của ma túy cho chúng hiểu thì
con cái sẽ dễ hợp tác, chia sẻ với mình.
Phụ huynh cần lựa chọn nói vào thời điểm con mình tỉnh táo, vui vẻ và
động viên, giúp đỡ con để vượt qua cạm bẫy. Tuyệt đối không được trừng
phạt con trẻ vì đòn roi không giải quyết được vấn đề mà chỉ đẩy con trẻ
đến thái độ chống đối; cam chịu, thậm chí là thù ghét. Khi đã qua giai
đoạn này, điều cần thiết còn lại là cần đưa con mình đến gặp những
chuyên gia tâm lý để được tư vấn và sau đó đưa đến ngay trung tâm cai
nghiện…
Trên thực tiễn, ít có cha mẹ nào giữ được bình tĩnh khi phát hiện con
bị nghiện mà thường đùng đùng nổi giận, đánh đòn, giam lỏng con trong
nhà, cấm giao du bên ngoài, như là một kiểu “cai sống”. Cách làm sai này
dẫn đến hậu quả là khi lên cơn nghiện chúng sẽ tìm cách bỏ nhà đi hoặc
trở nên nổi loạn, gây án với người thân trong gia đình.
Khi con đi bụi, nhiều bậc cha mẹ bỏ mặc, tuyên bố từ mặt con như là
một cách để giải thoát cho mình. Thậm chí khi người nghiện quay về, cả
gia đình dòng họ chẳng ai thèm nhìn mặt vì sợ bị liên lụy, sợ bị trộm
tiền. Từ đó con nghiện mang lòng thù hận và chúng có thể quay lại để trả
thù người thân… gây nhiều bất an cho xã hội như nhiều vụ án đã xảy ra.
Một vấn đề khác cũng có liên quan mật thiết đến công tác phòng, chống
tội phạm nói chung, tội phạm đặc biệt nguy hiểm nói riêng là công tác
tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Trong một hội nghị về vấn đề này, Ban giám đốc Công an TP HCM cho
rằng, tuy công tác đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành
xong án phạt tù đã đạt được kết quả quan trọng, tuy nhiên, hạn chế là
lãnh đạo một số cơ quan, ban, ngành, tổ chức xã hội chưa làm hết mình.
Một số cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở chưa chỉ đạo quyết liệt
việc triển khai các mô hình giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù,
chưa có thêm nhiều mô hình mới nên hiệu quả chưa cao như mong đợi…
Chính vì vậy, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) do Bộ
Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 đã bổ
sung một chương mới về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
Thảm án do người sử dụng ma túy gây ra
Trong mấy năm gần đây, liên tiếp các vụ án giết người, cướp của thậm
chí là giết ngay chính những người trong gia đình, người thân của mình
do các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy gây ra đã tiếp tục gióng
lên những hồi chuông cảnh báo về hệ lụy khôn lường từ việc sử dụng trái
phép chất ma túy. Nhiều vụ án khiến dư luận hoang mang bởi tính tàn
nhẫn, thậm chí là man rợ.

Lực lượng Công an khống chế một đối tượng “ngáo đá” cầm dao dọa chém người giữa đường tại Hà Nội.
Có thể kể đến như vụ việc bố dượng Nguyễn Minh Tuấn và mẹ đẻ
Nguyễn Thị Lan Anh, cùng SN 1991, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại số
32 ngõ 44 Nguyễn Đình Chiểu, phường Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội
hành hạ cháu M., 3 tuổi đến tử vong gây rúng động dư luận cách đây chưa
lâu. Cả Tuấn và Lan Anh đều sử dụng ma túy dạng đá.
Trong thời gian cháu M. ở cùng, hai đối tượng trên đã nhiều lần đánh đập, bắt phạt cháu bé với những trận đòn roi tàn nhẫn.
Do bị bạo hành quá nhiều lần, khoảng 8h ngày 30/3/2020, cháu M. có
biểu hiện khó thở. Hai đối tượng trên đã đưa cháu bé đi cấp cứu. Tuy
nhiên, điều không may đã xảy ra, cháu bé xấu số đã mất tại bệnh viện vào
11h cùng ngày với nhiều vết thương tích trên cơ thể như ở ngực, bụng,
lưng, mông, hai tay, đầu não… Hai kẻ ác nhân hiện đang chờ những bản án
thích đáng nhất dành cho chúng.
Gần đây nhất, vụ việc nữ sinh viên của Học viện Ngân hàng Trần Thúy
Hiền, 18 tuổi, trú tại xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội đã bị
chết thảm bởi đôi bàn tay của kẻ nghiện ma túy cũng lại khiến dư luận
phẫn nộ.
Cụ thể, chiều 23/10, đối tượng Nguyễn Xuân Trung, SN 1985, trú tại xã
Văn Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội rủ Nguyễn Văn Quân, SN 1983, trú tại
xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội đi trộm cắp tài sản. Sau khi lấy
được bộ cốp pha của 1 công trình xây dựng tại xã Tiền Phong, huyện
Thường Tín, hai tên đi tìm nơi tiêu thụ.
Trên đường đi, Trung trông thấy em Hiền đang đứng gần bờ sông Nhuệ
nghe điện thoại di động. Hắn đã quay lại, bàn bạc với Nguyễn Văn Quân
việc cướp điện thoại của nữ sinh tội nghiệp. Sau khi thực hiện được hành
vi cướp tài sản, tên Trung đã đẩy nạn nhân xuống sông để thực hiện đến
cùng hành vi tàn ác.
Số liệu từ các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an cho thấy, tính từ năm
2014 đến năm 2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 5.177 vụ
việc với 32.535 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy tại vũ trường,
karaoke, quán bar…, 7.527 vụ với 18.464 đối tượng sử dụng trái phép chất
ma túy, người nghiện ma túy thực hiện các hành vi tội phạm hình sự như:
cướp, giết người, trộm cắp, cố ý gây thương tích, hiếp dâm…
Các cơ quan chức năng đã khởi tố 96.138 vụ với 120.349 bị can trong
các vụ án về ma túy, trong đó có 68.768 bị can sử dụng trái phép chất ma
túy, 13.671 đối tượng đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường,
thị trấn; 9.982 đối tượng đã bị đưa vào các cơ sở cai nghiện.
Chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy
Trong những năm vừa qua, tình hình sử dụng trái phép chất ma túy có
xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999
(sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực thi hành thì hành vi sử dụng
trái phép chất ma túy không bị coi là phạm tội và không bị xử lý hình
sự.
Sự phát triển bùng nổ của các loại hình kinh doanh có điều kiện về an
ninh trật tự như vũ trường, quán bar, nhà hàng… đã tạo điều kiện cho
các đối tượng lợi dụng tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp. Số người sử dụng
trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng đặc biệt là sử dụng ma túy
tổng hợp. Hình thức sử dụng ma túy đa dạng, từ hút, hít, tiêm chích sang
uống, ngậm (ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần)…
Nhiều trường hợp sử dụng ma túy nhất là ma túy tổng hợp ngay từ lần
sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân người sử dụng và
gây mất an ninh, trật tự; đặc biệt người sử dụng ma túy tổng hợp bị
loạn thần (ngáo đá), không kiểm soát được hành vi gây ra các vụ thảm án,
gây hoang mang dư luận.
Trong khi đó, chưa có quy định của pháp luật về quản lý đối tượng này
nên mặc dù thấy được tính chất nguy hiểm, hậu quả gây ra cho xã hội
nhưng quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được quan tâm một
cách đúng mức dẫn đến hậu quả do những người sử dụng trái phép chất ma
túy gây ra vô cùng nghiêm trọng.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 21, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày
12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh
vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng
cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, hành vi sử dụng trái
phép chất ma túy chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng
đến 1 triệu đồng. Mức xử phạt này là chưa đủ sức răn đe.
Xuất phát từ thực tiễn nêu trên đã đặt ra yêu cầu phải quản lý người
sử dụng trái phép chất ma túy, “có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành
vi sử dụng trái phép chất ma túy” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ
thị 36-CT/TW ngày 16/8/2019 về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác
phòng, chống và kiểm soát ma túy” của Bộ Chính trị. Dự thảo Luật Phòng,
chống ma túy (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đã bổ sung Chương
IV “Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy”.
Theo đó, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là biện pháp
phòng ngừa nhằm giúp người sử dụng trái phép chất ma túy không tiếp tục
sử dụng trái phép chất ma túy và kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm
pháp luật của họ.
Việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được áp dụng ngay
lần đầu người đó sử dụng trái phép chất ma túy với mục đích là ngăn chặn
không để họ tiếp tục sử dụng từ đó góp phần làm giảm người nghiện ma
túy, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Quản lý người sử dụng trái phép
chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính.
Tổ chức tiệc chiêu đãi… ma túy không còn là hiện tượng đơn lẻ
nữa mà có vẻ như đã trở thành một trào lưu của dân “bay lắc” nhiều địa
phương, trong đó có nhiều người trẻ, hoạt động ngày càng phổ biến, thách
thức pháp luật.
Trong vụ việc có liên quan đến “tiệc ma túy” mà Công an TP Nha Trang
(Khánh Hòa) đang tập trung điều tra cho thấy, trong số 56 đối tượng tụ
tập sử dụng ma túy bị bắt quả tang không chỉ có nam nữ thanh niên là
người ở Khánh Hòa mà còn có các đối tượng đến từ các địa phương: Phú
Yên, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Ninh Bình và Hà Nội; không phải chỉ
có người Kinh, còn có cả thiếu nữ là người dân tộc thiểu số và hầu hết
đều thuộc thế hệ 9X.
Trừ số đã được sử dụng, số tang vật còn lại tại hiện trường là
5,2038g ma túy loại Ketamine và 2,9024g ma túy loại MDMA. Cùng với việc
khởi tố, bắt tạm giam Trần Anh Tuấn và Đường Quốc Thuận về tội “Chứa
chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”, Công an TP Nha Trang tiếp tục
đấu tranh làm rõ hành vi sử dụng ma túy của các đối tượng có liên quan
để xử lý theo quy định pháp luật.
Nhìn nhận vấn đề từ góc độ pháp lý, nhiều chuyên gia cho rằng chính
là do luật pháp vẫn còn kẽ hở nên việc xử lý hình sự các hành vi thuê
nhà, thuê phòng để tổ chức “tiệc ma tuý” gặp nhiều khó khăn, hoặc thiếu
tính răn đe.

Một số đối tượng trong số 56 nam, nữ thanh niên tụ tập sử dụng ma túy bị Công an TP Nha Trang bắt quả tang.
Ngày 10/9, trao đổi với PV Báo CAND, một cán bộ Đội CSĐT tội
phạm về ma túy Công an quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cũng nhìn nhận thực
tế này, kể một số vụ việc từng được phát hiện rên địa bàn, cho biết:
“Khi bị phát hiện, hầu hết các đối tượng đều khai nhận mình hùn tiền
nhau để mua ma túy và thuê địa điểm sử dụng chứ không ai đứng ra tổ chức
cả. Người cho thuê nhà, thuê phòng cũng vậy, họ một mực khẳng định mình
không hề biết các đối tượng thuê phòng để sử dụng ma túy nên rất khó để
xử lý hành vi tổ chức sử dụng ma túy”.
Một vụ việc khá điển hình trước đây là băng cướp do Đoàn Lê Hậu (ngụ
quận 10, TP Hồ Chí Minh) cầm đầu với số lượng đàn em lên đến gần 50 đối
tượng. Sau khi có tiền từ bán tài sản cướp giật, chúng mua ma túy, loa,
amly… rồi thuê phòng khách sạn để tự chiêu đãi bằng “tiệc ma túy”, lắc
lư điên cuồng theo điệu nhạc. Có những khách sạn chúng đến thuê hàng
chục lần nhưng khi bị phát hiện, chủ khách sạn chỉ cần khai “không
biết”, “không hay” là thoát tội. Nếu có, họ chỉ bị xử phạt hành chính về
các hành vi khác như: Không giấy phép kinh doanh, người thuê không có
giấy tờ tùy thân...
Việc xử lý hành vi “chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”
đang gặp khó do quy định của pháp luật vẫn chưa chặt chẽ, thiếu thống
nhất, dẫn đến tính răn đe chưa cao. Không ít chủ nhân “tiệc ma túy”
thường bám vào yếu tố này, một mực giữ lời khai theo hướng: “Tôi mua ma
túy về sử dụng trong tiệc rồi để đấy, bạn bè tôi tự lấy sử dụng chứ tôi
không rủ rê”.
Trước đây, tại điểm b, tiểu mục 7.3, mục 7, phần II Thông tư liên
tịch số 17/2007/TTLT ngày 24-12-2007 của Bộ Công an, VKSND tối cao, TAND
tối cao và Bộ Tư pháp quy định: Người nghiện ma tuý cho người nghiện ma
tuý khác cùng sử dụng trái phép chất ma tuý tại địa điểm thuộc quyền sở
hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chịu trách nhiệm
hình sự về tội “Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý”.
Thông tư 08/2015/TTLT sau đó đã bãi bỏ quy định vừa kể trên trong khi
đó, Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP (Nghị quyết 02) ngày 17/4/2003 của Hội
đồng thẩm phán TAND tối cao (thể hiện tại điểm đ khoản 2 Mục II - quyết
nghị về trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể, trong đó có
trường hợp trên) vẫn còn giá trị pháp lý. Theo một luật sư, nếu theo
Nghị quyết này, hành vi tổ chức “tiệc ma tuý” không phạm tội theo quy
định Điều 256 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hơn nữa, căn cứ theo Điều 21 và Điều 25 Luật ban hành văn bản quy
phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22/6/2015, việc áp dụng pháp luật
trong xét xử phải nghiên cứu vận dụng theo hướng dẫn của Nghị quyết của
Hội đồng thẩm phán.
Vấn đề bất cập đặt ra ở đây chính là người bán ma tuý cũng là con
nghiện ma tuý, sau khi bán xong lại cho con nghiện ma tuý sử dụng ngay
tại địa điểm thuộc quyền sở hữu... của mình hoặc sử dụng cùng thì xử lý
như thế nào? Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, đa số đối tượng bán
ma tuý cũng là con nghiện, bán ma tuý cho con nghiện khác và cho sử dụng
tại nơi ở của mình để kiếm lời phục vụ cho việc nghiện của mình hiện
nay vẫn là phổ biến.
“Do quy định của pháp luật còn chưa chặt chẽ nên đã xảy ra tình trạng
đối tượng sau khi bị bắt lại được… thả, khiến các đối tượng vi phạm coi
thường pháp luật, dễ bề tái phạm. Đây cũng là một trong những nguyên
nhân gia tăng người nghiện ma túy tại cộng đồng”, một cán bộ điều tra
cho biết.
Khó khăn trong việc xử lý hành vi tổ chức sử dụng ma túy là thế nhưng
vần đề mà các địa phương bức xúc nhất vẫn chính là công tác quản lý
người nghiện hiện nay, cụ thể là việc đưa người nghiện đi cai nghiện bắt
buộc. Năm 2001, Quốc hội có Nghị quyết 16 cho phép TP Hồ Chí Minh đưa
người nghiện đi cai tập trung, không phân biệt có nơi cư trú ổn định hay
không. Từ đó đến năm 2007, thành phố đã đưa được hơn 30.000 người
nghiện đi cai nghiện.
Tình hình ANTT nhờ đó được ổn định, tội phạm giảm đáng kể. Tuy nhiên,
sang năm 2008, khi thành phố không còn được phép đưa toàn bộ con nghiện
vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tình hình ANTT phức tạp trở lại, con
nghiện gây án khá lộng hành.
Chính từ thực tế này mà cuối năm 2014, Quốc hội mới có Nghị quyết 77
cho phép thành phố triển khai đề án đưa người nghiện đi cai nghiện bắt
buộc nhưng cũng chỉ giới hạn với đối tượng không có nơi ở ổn định.
Mặt khác, Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 quy định, không
đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với con nghiện có nơi cư trú ổn
định, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại phường, xã, thị trấn (thời
hạn từ 6-12 tháng) mà vẫn còn nghiện. Điều này cũng đồng nghĩa với việc
trong thời gian nói trên, con nghiện sử dụng ma túy một cách thoải mái,
tự tin dự các… “tiệc ma túy” mà không sợ bị lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai
nghiện bắt buộc.
Điều này dẫn đến nguyên nhân là vì sao trong các lần kiểm tra quán
bar, vũ trường… cơ quan chức năng phát hiện hàng chục, hàng trăm con
nghiện nhưng rồi chỉ ít hôm lại thấy số con nghiện này ung dung trở lại
vũ trường.
Trong một nghiên cứu về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ
sở cai nghiện bắt buộc, ThS Nguyễn Thị Minh Phương - Cục Quản lý vi
phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) từng kiến
nghị, cần bỏ quy định người nghiện ma tuý có nơi cư trú ổn định phải áp
dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trước khi áp dụng biện
pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhằm bảo đảm sự công bằng, thống
nhất trong chính sách xử lý đối với người nghiện ma túy.
B. Huyền – M. Hải - H.Sơn (CAND)
Theo dự thảo Luật, cá nhân và gia đình có trách nhiệm thực hiện các quy
định của pháp luật về phòng, chống ma túy; quản lý, ngăn chặn thành viên
trong gia đình tham gia tội phạm và tệ nạn ma túy; hợp tác với cơ quan
chức năng đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy; tham gia hỗ trợ hoạt
động cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy; theo dõi, giúp
đỡ người đã cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; cung cấp kịp thời
những thông tin về tội phạm và tệ nạn ma túy cho cơ quan Công an hoặc cơ
quan Nhà nước có thẩm quyền; tham gia xóa bỏ cây có chứa chất ma túy do
chính quyền địa phương tổ chức.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức
xã hội, tổ chức nghề nghiệp phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tuyên
truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng, chống ma túy trong Nhân
dân; vận động Nhân dân tham gia phòng, chống ma túy và thực hiện phong
trào “Toàn dân tham gia phòng, chống ma túy”.
Phòng ngừa, ngăn chặn người của tổ chức mình và mọi công dân vi phạm
pháp luật về ma túy. Phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan có
thẩm quyền để vận động cai nghiện ma túy, điều trị nghiện bằng thuốc
thay thế; tham gia cảm hóa, giáo dục, dạy nghề, tìm việc làm và giúp đỡ
người đã cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng...

Công an Sơn La bắt giữ đối tượng vận chuyển
trái phép chất ma tuý tháng 7/2020.
Nhà trường và các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức thực
hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma túy; giáo dục pháp luật về
phòng, chống ma túy và lối sống lành mạnh cho học sinh, sinh viên, học
viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên tham gia
tội phạm và tệ nạn ma túy; phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và
chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học
viên về phòng, chống ma túy; phối hợp với cơ quan y tế và chính quyền
địa phương tổ chức xét nghiệm khi cần thiết để phát hiện học sinh, sinh
viên, học viên nghiện ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.
Người nước ngoài nghiện ma túy phải đăng ký hình thức cai nghiện ma
túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện bằng
thuốc thay thế và trả phí theo quy định; nếu không đăng ký cai nghiện ma
túy hoặc không tham gia điều trị nghiện bằng thuốc thay thế hoặc trong
thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện, điều trị nghiện bằng thuốc thay
thế mà có hành vi vi phạm pháp luật hoặc sử dụng trái phép chất ma túy
thì áp dụng hình thức trục xuất khỏi Việt Nam theo pháp luật xử lý vi
phạm hành chính.
Người Việt Nam bị nước ngoài trục xuất về Việt Nam do có hành vi sử
dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy khi về nước phải tiến hành xác
định tình trạng nghiện ma túy; nếu người đó được cơ quan Y tế có thẩm
quyền xác định tình trạng nghiện ma túy thì áp dụng các quy định về cai
nghiện ma túy.
Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ,
quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức phòng, chống ma túy ở cơ quan,
đơn vị mình; phòng ngừa, ngăn chặn cán bộ, công chức, viên chức, nhân
viên, người lao động thuộc quyền quản lý và cán bộ, chiến sĩ thuộc lực
lượng vũ trang nhân dân tham gia tội phạm và tệ nạn ma túy; tuyên
truyền, động viên cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, người lao
động; cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, Nhân dân phát
hiện, tố giác, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy.
Dự thảo Luật cũng quy định chính sách đối với người tham gia phòng,
chống ma túy. Theo đó, cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia các
hoạt động phòng, chống ma túy được Nhà nước bảo vệ và giữ bí mật.
Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có thành tích trong đấu tranh
phòng, chống ma tuý, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho
người nghiện ma túy thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức do tham gia phòng,
chống ma túy mà bị thiệt hại về tài sản thì được Nhà nước đền bù. Trường
hợp cá nhân bị thương tích, tổn hại về sức khỏe hoặc bị thiệt hại về
tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ, chính sách đặc
biệt theo quy định của Chính phủ.
Dự thảo Luật quy định, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về
ma túy thuộc CAND là nòng cốt, chủ trì thực hiện các hoạt động phòng
ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.
Yêu cầu cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên
quan, phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu, tình hình tài chính và tài
khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khi có căn cứ cho rằng có hành vi
phạm pháp luật liên quan đến ma tuý.
Yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động bưu chính, dịch vụ
chuyển phát mở bưu kiện, bưu phẩm, hàng hóa để kiểm tra khi có căn cứ
cho rằng trong bưu kiện, bưu phẩm, hàng hóa đó có chứa chất ma túy, tiền
chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu
làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng
làm thuốc; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất. Áp dụng các biện
pháp cần thiết để bảo vệ người tố giác, người làm chứng và người bị hại
trong các vụ án về ma túy. Phối hợp với cơ quan chức năng chống tội phạm
ma túy của các nước và các tổ chức chống tội phạm ma túy quốc tế để
trao đổi thông tin và tiến hành điều tra các vụ án liên quan đến tội
phạm ma túy xuyên quốc gia.
Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội
Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn
của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan Công an, các cơ
quan hữu quan khác thực hiện và áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy
định của pháp luật để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi
phạm pháp luật về ma túy tại khu vực hoặc địa bàn quản lý, kiểm soát.
Dự thảo Luật quy định, chỉ cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện do Chính
phủ quy định và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép mới được
phép nhập khẩu, xuất khẩu; tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; quá
cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc
tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất
hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc; thuốc thú y có chứa chất ma túy,
tiền chất.
Mọi trường hợp vận chuyển các chất, thuốc vào, ra hoặc qua lãnh thổ
Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không tuân thủ các quy định khác của
pháp luật Việt Nam về vận chuyển, nhập khẩu, xuất khẩu; tạm nhập, tái
xuất; tạm xuất, tái nhập; quá cảnh đều bị coi là vận chuyển trái phép.
Bộ Công an chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc đấu
tranh phòng, chống tội phạm về ma túy; tổ chức tiếp nhận và xử lý thông
tin về tội phạm ma túy, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến
ma túy. Tổ chức lực lượng điều tra các tội phạm về ma túy, hướng dẫn các
cơ quan khác tiến hành điều tra ban đầu các tội phạm này theo quy định
của pháp luật.
Tổ chức công tác giám định chất ma túy và tiền chất; kiểm soát các
hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, quản lý thông tin về các tội
phạm về ma túy, thực hiện thống kê Nhà nước về phòng, chống ma túy; giám
sát, quản lý, lập hồ sơ theo dõi người sử dụng trái phép chất ma túy,
người nghiện ma túy; phối hợp với cơ quan Y tế trong việc xác định tình
trạng nghiện ma túy; thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm
về ma túy...
Dự thảo Luật quy định rõ, người nào sử dụng tài sản, phương tiện của
mình để chứa chấp hoặc tạo điều kiện cho các hoạt động trái phép về ma
tuý; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu của cơ quan có
thẩm quyền về phòng, chống ma tuý; cản trở, chống đối, xâm phạm tính
mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của người tố giác, người làm chứng,
người bị hại, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm các
quy định của Luật phòng, chống ma tuý thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi
phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây
thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của Luật
này trong khi thi hành nhiệm vụ về phòng, chống ma tuý thì tuỳ theo tính
chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình
sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, qua công tác giám định kỹ thuật
hình sự, Công an TP Hà Nội đã phát hiện một số chất ma túy mới trên địa
bàn Thủ đô. Đó là chất ma túy có tên định danh là: "5F-MDMB-PICA"; chất
này vừa được bổ sung vào danh mục các chất ma túy, số thứ tự 145, danh
mục 2, Nghị định 60/NĐ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đan Phượng nắm được thông
tin về Nguyễn Văn Khánh, trú tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội
sử dụng dạng ma túy này dưới dạng điếu thuốc có đầu lọc viền kẻ màu
vàng, bị sốc phải cấp cứu tại Bệnh viện Đan Phượng.
Qua khai thác, Khánh khai đã mua của Nguyễn Thị H (người cùng huyện)
29 điếu thuốc đầu lọc đựng trong 5 hộp, ngoài vỏ có ghi dòng chữ
Dominix.
Ngày 6/6/2020, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đan Phượng đã trưng cầu
giám định, xác định: Thảo mộc khô dạng sợi màu vàng bên trong 29 điếu
thuốc đầu lọc là dạng ma túy 5F-MDMB-PICA, thuộc nhóm cần sa tổng hợp
được tẩm vào các mẫu thảo mộc, thực vật khô... có tác dụng gây ảo giác
mạnh hơn cần sa tự nhiên gấp nhiều lần.

Hơn 300g nấm khô do Nguyễn Trần Tuấn Phương trồng bị thu giữ
Đáng chú ý trong số ma túy dạng mới vừa bị phát hiện, có loại
ma túy dạng nấm, nhìn cảm quan như nấm ăn bình thường. Ngày 7/6/2020,
sau khi phát hiện Nguyễn Trần Tuấn Phương, sinh viên năm thứ nhất ngành
công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, trú tại phường Quang Trung,
quận Đống Đa, TP Hà Nội, có hành vi tự trồng và rao bán trên mạng, Cơ
quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy đã thu giữ số "nấm thức thần" này để gửi
trưng cầu giám định tìm chất ma túy trong các cây nấm khô do Phương
trồng.
Qua giám định kết luận cây nấm khô có chất ma túy loại Psilocine. Đây
là dạng ma túy đã có trong danh mục các chất ma túy của Chính phủ qui
định. Khi sử dụng sẽ gây ảo giác, ảo thanh, lạm dụng chất này dẫn đến
hoang tưởng, hoảng sợ và lo lắng thường xuyên, tình trạng biểu hiện như
bệnh nhân tâm thần phân liệt.
Trong một diễn biến khác, ngày 12/6/2020, Cơ quan CSĐT Công an huyện
Sóc Sơn cũng đã gửi mẫu trưng cầu giám định đối với loại bột màu trắng
thu được của một đối tượng người nước ngoài.
Qua giám định xác định đây là ma túy có tên gọi N-Ethylhexedrone. Sử
dụng loại ma túy này sẽ gây ảo giác thị giác, giảm mức độ ý thức, nhịp
tim nhanh, tăng huyết áp, tăng thân nhiệt, rung giật nhãn cầu rối loạn
cảm xúc. Chất ma túy này cũng vừa được bổ sung vào danh mục các chất ma
túy, số thứ tự 416, danh mục 2, Nghị định 60/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của
Chính phủ.
Ngoài ra, qua công tác giám định số tang vật do Cơ quan CSĐT các cấp
thuộc Công an TP Hà Nội chuyển đến, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hà
Nội đã phát hiện một số mẫu tang vật có chứa chất có tính năng, tác
dụng như chất ma túy, nhưng chưa có trong danh mục các chất ma túy tại
Việt Nam như: 3-MMC, 2-FMA, 4-HO-MIPT, 2/3-FEA.
Như vậy, tội phạm ma túy ngày một tinh vi, biến tượng các loại ma túy
dưới hình thức khác nhau để che giấu sự phát hiện của cơ quan chức
năng. Vì vậy, việc nắm bắt các loại ma túy mới, để kịp thời phát hiện,
đấu tranh, ngăn chặn là công việc thường xuyên của công an các cấp, nhất
là lực lượng phòng chống tội phạm về ma túy. Qua đó, cũng là kiến thức
cần thiết để người dân nâng cao cảnh giác trong đời sống và sinh hoạt
hàng ngày.
|
|