ANTD.VN - Đinh Văn T. (SN 1993) điện thoại rủ Hoàng Quốc V. (SN 1995)
cùng góp tiền để mua ma túy sử dụng. V. đồng ý nên T. điều khiển xe mô
tô đến chở V. đi mua ma túy. Khi đến địa điểm mua ma túy thì V. ở ngoài
đợi còn T. vào trong mua 1 gói ma túy với số tiền 200.000 đồng, trong đó
V. góp 150.000 đồng, T. góp 50.000 đồng. Sau khi mua ma túy xong, T.
không điều khiển xe nữa mà giao cho V. điều khiển chở T. ngồi phía sau
để tìm nơi sử dụng. Khi đi được khoảng 2km thì bị lượng công an bắt.
Theo kết quả giám định thì số ma túy mà T. và V. mua có trọng lượng là
0,123 gram heroin.
Vấn đề đặt ra trong tình huống này là với số tiền góp 50.000 đồng, Đinh Văn T., có phải là đồng phạm với Hoàng Quốc V. không?

Ảnh minh họa
Ý kiến bạn đọc
V. và T. là đồng phạm
Đinh Văn T. và Hoàng Quốc V. cùng thống nhất góp tiền để mua ma túy
sử dụng, vì vậy, Đinh Văn T. và Hoàng Quốc V. là đồng phạm. Do cả T. và
V. đến địa điểm mua ma túy sau đó mang đi nơi khác để sử dụng nên theo
tôi cả hai đều phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vận chuyển trái
phép chất ma túy quy định tại Điều 250, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hoàng Trọng Tình (Kim Sơn - Ninh Bình)
V. và T. không phải là đồng phạm
Số ma túy trong vụ việc này do cả Đinh Văn T. và Hoàng Quốc V. cùng
góp tiền mua nên mỗi người sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm về số tiền mà
mình bỏ ra. Do số tiền của V. góp quá nhỏ nên chưa đủ để xử lý hình sự.
Theo quy định của pháp luật, người nào biết người khác đi mua chất ma
túy để sử dụng trái phép mà gửi tiền nhờ mua hộ chất ma túy để sử dụng
thì người nhờ mua hộ phải chịu trách nhiệm hình sự về số lượng chất ma
túy đã nhờ mua hộ. Người đi mua phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số
lượng chất ma túy đã mua cho bản thân và mua hộ. Trong vụ việc này,
hành vi của Hoàng Quốc V. không thuộc trường hợp gửi tiền nhờ mua hộ
chất ma túy mà cùng với Đinh Văn T. góp tiền để mua ma túy sử dụng và
việc góp tiền này không phải là đồng phạm.
Nguyễn Thúy Hà (Liên Chiểu - Đà Nẵng)
Chưa đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự
Hoàng Quốc V. góp 150.000 đồng trên tổng số 200.000 đồng trong tổng
trọng lượng 0,123 gram, do đó, theo tỉ lệ, trọng lượng chất ma túy đã
nhờ mua hộ của V. là dưới 0,1 gram, dưới mức truy cứu trách nhiệm hình
sự. Ngoài ra, theo tôi hành vi của Hoàng Quốc V. vẫn không đủ yếu tố
cấu thành tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Bởi theo nội dung vụ
việc thì Đinh Văn T. và Hoàng Quốc V. mua ma túy để sử dụng, và trong
quá trình tìm nơi sử dụng, T. và V. có dịch chuyển bất hợp pháp ma túy,
nhưng mục đích của việc vận chuyển trái phép ma túy này là để sử dụng.
Vũ Bích Hường (Móng Cái - Quảng Ninh)
Bình luận của luật sư
Theo quy định tại Điều 17, Bộ luật Hình sự năm 2015: “Đồng phạm là
trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Trong
vụ việc này cả Đinh Văn T. và Hoàng Quốc V đều có đủ năng lực trách
nhiệm hình sự, đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ
luật Hình sự.
- Căn cứ vào tính liên kết về hành vi: Đinh Văn T. rủ Hoàng Quốc V
cùng nhau góp tiền đi mua ma túy, V. đồng ý, T chở V. đi mua ma túy, T.
và V. cùng dùng xe đi tìm nơi để sử dụng. Nếu xét riêng hành vi của từng
người thì không đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt
hành chính. Tuy nhiên, cả 2 đã có sự giúp sức nhau dẫn đến hậu quả chung
là số lượng ma túy mà cả 2 cùng vận chuyển đi tìm nơi để sử dụng đủ
truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Căn cứ vào hậu quả: Hậu quả trong vụ án đồng phạm là hậu quả chung
do cả Đinh Văn T. và Hoàng Quốc V. gây ra. Hành vi của mỗi người trong
vụ án là nguyên nhân gây ra hậu quả chung ấy, mặc dù có người trực tiếp,
người gián tiếp gây ra hậu quả. Tổng lượng heroin mà cả hai đã góp tiền
mua là 0,123 gram, đã đủ điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, đồng phạm hay không trước hết phải căn cứ vào tổng hàm lượng
chất ma túy mà cả 2 cùng mua đã đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự
hay chưa? Nếu góp tiền mua ma túy mà hàm lượng heroin chỉ dưới 0,1 gram
thì không đủ truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ xử lý hành chính, do đó
sẽ không thuộc trường hợp đồng phạm. Trong vụ việc này tổng trọng lượng
ma túy mà T. và V. góp tiền mua là 0,123 gram heroin đã đủ điều kiện để
truy cứu trách nhiệm hình sự, T. và V. cùng nhau thực hiện hành vi, cả 2
đều biết rõ về hành vi của mình và người còn lại mà vẫn thực hiện nên
đây là lỗi cố ý. Nên căn cứ vào hàm lượng chất thu được, T. và V. là
đồng phạm. Vậy T. và V. đồng phạm về tội gì?
Căn cứ quy định tại Chương XX “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật
Hình sự năm 2015 thì Đinh Văn T. và Hoàng Quốc V. có thể sẽ bị thu hút
về các tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất
ma túy. Vậy, xử lý T. và V. về tội gì để đảm bảo đúng tội danh?
- Thứ nhất, về tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252, Bộ luật Hình sự
năm 2015): T. và V. không có hành vi trộm cắp, lừa đảo, tham ô, lạm dụng
tín nhiệm, cưỡng đoạt, cướp, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt chất ma
túy của người khác nên T. và V. không phạm tội chiếm đoạt chất ma túy.
- Thứ hai, về tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251, Bộ luật
Hình sự năm 2015): T. mua ma túy nhằm mục đích để T. và V. sử dụng chứ
không nhằm mục đích bán trái phép cho người khác và cũng không có hành
vi tàng trữ hay vận chuyển để bán trái phép gói ma túy trên cho người
khác nên T. không phạm tội mua bán trái phép chất ma túy. Bởi vậy, V.
cũng không đồng phạm với T. về tội này.
- Thứ ba, về tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249, Bộ luật
Hình sự năm 2015): T. đã chủ động rủ V. cùng góp tiền mua ma túy để T.
và V. sử dụng. T. điều khiển xe chở V. đi mua ma túy, V. đã đi cùng T.
đến địa điểm mua ma túy và sau khi T. trực tiếp vào mua xong, cả hai
cùng nhau đi tìm nơi để sử dụng gói ma túy vừa mua được thì bị cơ quan
công an bắt, thu giữ 1 gói ma túy có trọng lượng 0,123 gam. Căn cứ vào
lời khai của T. và tang vật thu giữ thì đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm
hình sự T. về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy (T. tàng trữ ma
túy để sử dụng). Vì: T. mua ma túy để sử dụng, trong tổng số tiền
(200.000 đồng) để mua ma túy có một phần tiền của T. (50.000 đồng),
lượng ma túy T. mua đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự (0,123 gam). T.
vận chuyển ma túy là nhằm mục đích đưa gói ma túy mà T. vừa mua được để
tìm nơi sử dụng chứ không nhằm mục đích khác (mua bán hay vận chuyển cho
người khác). Theo quy định của pháp luật, tàng trữ trái phép chất ma
túy là cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy bất cứ nơi nào… mà
không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hay sản xuất trái phép chất ma
túy khác. Do đó, khi T. hoàn thành việc mua ma túy thì T. đã phải chịu
trách nhiệm hình sự theo mục đích sử dụng của mình. Thời điểm này, tội
phạm đã hoàn thành. Do đó, T. phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy
theo quy định tại khoản 1, Điều 194, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Đối với V., V. đã đồng phạm với T. ngay từ khi V. góp tiền và cùng T
đi mua ma túy (kể cả trường hợp V. không cùng T. đi mua ma túy nhưng đủ
cơ sở để chứng minh V. biết T. đi mua ma túy để sử dụng và đã góp tiền
cho T. đi mua) thì V. vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng
phạm (giúp sức T. mua ma túy: T. mua được gói ma túy trên là do V. cùng
góp tiền). Vì vậy, trong vụ án này, V. đồng phạm với T. về hành vi tàng
trữ trái phép chất ma túy theo quy định tại khoản 1, Điều 194, Bộ luật
Hình sự năm 1999.
- Thứ tư, về tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250, Bộ luật
Hình sự năm 2015) thì theo nội dung vụ án, mặc dù T. có hành vi chuyển
dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác nhưng T. không vận
chuyển cho người khác (không ai nhờ, không ai thuê...) và việc T. vận
chuyển số ma túy trên là vận chuyển cho chính mình nhằm mục đích để T.
và V. đi tìm nơi sử dụng. Theo quy định của pháp luật, vận chuyển trái
phép chất ma túy là hành vi dịch chuyển bất hợp pháp chất ma túy từ nơi
này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào… mà không nhằm mục đích mua
bán, tàng trữ hay sản xuất trái phép chất ma túy khác. Vì vậy, trong vụ
án này T. không phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Do đó, không
có cơ sở để xem xét V. đồng phạm với T. về tội này.
Từ sự phân tích trên, chúng tôi cho rằng: Đinh Văn T. phạm tội tàng
trữ trái phép chất ma túy, Hoàng Quốc V. đồng phạm với T. về tội tàng
trữ trái phép chất ma túy.
Luật sư Phạm Thái Sơn (Văn phòng Luật sư Sơn Phạm)
(PL)- Trong một lần chữa bệnh cho chó mèo, tình cờ Quang Anh phát
hiện thuốc thú y kết tủa thành ketamine, một loại ma túy tổng hợp.
Trước tình hình các đối tượng lợi dụng
những sơ hở, thiếu sót trong việc quản lý thuốc thú y để thu gom, tách
chiết thuốc thú y thành ma túy tổng hợp, Bộ Công an đã có văn bản báo
cáo Thủ tướng, kiến nghị đưa các thuốc thú y có chứa hoạt chất và tiền
chất ma túy vào danh mục quản lý của cơ quan chức năng.
Tình cờ phát hiện ma túy khi chữa trị cho chó mèo
Tháng 6-2017, Công an TP Hà Nội bắt giữ Phùng Quang Anh (28 tuổi, ngụ quận Hai Bà Trưng) đang mua bán 23 g ketamine.
Quang Anh khai nhận: Gia đình có cửa hàng chăm sóc chó mèo nên thường xuyên mua các loại thuốc gây mê
(loại Ketamil Injection) ở cửa hàng thuốc thú y để phẫu thuật cho thú
cưng. Trong một lần sử dụng thuốc gây mê chữa bệnh cho chó mèo, Quang
Anh phát hiện trong đĩa có kết tủa ma túy ketamine.
Từ việc này, Quang Anh đi gom thuốc gây mê ở cửa hàng thuốc thú y, rồi tách chiết ra ma túy tổng hợp đem bán cho người nghiện.
Theo thống kê của Cục CSĐT tội phạm về
ma túy (C47, Bộ Công an), lực lượng chức năng đã phát hiện ba vụ tách
chiết ma túy tổng hợp từ thuốc thú y. Trong đó có vụ đặc biệt lớn là phá
bốn “xưởng” sản xuất ma túy từ thuốc thú y trên địa bàn quận Thanh
Xuân, Hà Nội, thu giữ gần 540 viên ma túy tổng hợp, 72 g ketamine thành
phẩm cùng hàng chục lít dung dịch thuốc thú y, máy dập và nhiều tang vật
liên quan để điều chế sản xuất ma túy.

Thuốc thú y được dùng sản xuất ma túy tổng hợp bị công an thu giữ. Ảnh: H.BẢO
Thuốc bỗng tăng hơn 12 lần
Sau khi thông tin thuốc gây mê cho chó
mèo có thể tách chiết được thành ma túy tổng hợp, nó thành hàng nóng
trên thị trường thuốc thú y, bị đẩy giá cao hàng chục lần.
Ketamil Injection là thuốc thú y dùng để
gây mê trên trâu, bò, ngựa, heo, dê, chó, mèo, thuốc có hoạt chất chính
là Ketamine HCL, nhập khẩu từ Úc.
Ketamil Injection và Ket-A-100 là hai
thuốc nằm trong danh mục thuốc thú y được Bộ NN&PTNT cấp phép nhập
khẩu và lưu hành ở Việt Nam theo Thông tư số 10/2016, bán rộng rãi trên
thị trường.
Trước năm 2017, thuốc gây mê Ketamil
Injection chỉ trên dưới 100.000 đồng/lọ nhưng sau khi phát hiện nó có
thể chiết xuất thành ma túy tổng hợp, giá bị đẩy lên tới 1.250.000
đồng/lọ (cao hơn 12 lần) và đang khan hiếm.
Chúng tôi rảo quanh nhiều cửa hàng thuốc thú y khu vực nội thành Hà Nội hỏi mua các loại thuốc Ketamil Injection và Ket-A-100, các chủ cửa hàng lắc đầu cho hay “hết hàng, đang khan hiếm, có tiền cũng không dễ mua được…”.
Theo Luật Phòng, chống ma túy, những
thuốc chứa hoạt chất là chất ma túy (chất hướng thần) và tiền chất ma
túy phải được quản lý chặt chẽ nhưng những loại thuốc thú y trên đang
được quản lý chung với các loại thuốc thú y khác.
Đây là một kẽ hở trong công tác phòng, chống ma túy, bị các đối tượng lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp.
Kiến nghị đưa vào danh mục quản lý
Trước tình hình trên, Bộ Công an đề xuất
Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với
các loại thuốc thú y có chứa hoạt chất ma túy và tiền chất ma túy.
Rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản
pháp quy chuyên ngành để quản lý chặt chẽ đối với các loại thuốc thú y
có chứa hoạt chất là chất ma túy và tiền chất ma túy đảm bảo theo đúng
pháp luật Việt Nam, thông lệ quốc tế về phòng, chống ma túy.
Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng cục
trưởng Tổng cục Cảnh sát, kiêm Cục trưởng C47, cho biết: “Chúng tôi đã
kiến nghị với Chính phủ sẽ bổ sung một số tiền chất vào danh mục quản
lý, trong đó kiến nghị bổ sung các loại thuốc thú y vào danh mục quản lý
của Bộ NN&PTNT. Phối hợp với các ngành chức năng quản lý chặt tiền
chất ma túy để các đối tượng không thể lợi dụng để sản xuất ma túy tổng
hợp. Về phía chúng tôi sẽ nắm chắc tình hình về việc xuất hiện các loại
ma túy tổng hợp mới, đi sâu vào công tác nghiệp vụ, sớm phát hiện các cơ
sở sản xuất ma túy tổng hợp, từ đó có phát hiện, điều tra, triệt phá”.
C47 cũng đã có văn bản cảnh báo về
phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm ma túy đến lực lượng CSĐT tội
phạm về ma túy trong cả nước. Đồng thời, Cục cũng yêu cầu các địa phương
chủ động nắm tình hình, có biện pháp phòng ngừa và đấu tranh với loại
tội phạm sản xuất ma túy tổng hợp từ thuốc thú y.
Chưa có phác đồ điều trị người nghiện ma túy tổng hợp
Thượng tá Bùi Đức Thiêm, Phó Trưởng phòng 5 - C47, cho
biết ma túy tổng hợp là chất gây nghiện thuộc loại nguy hiểm, phá hủy hệ
thần kinh.
Nó là sự tổng hợp của nhiều hóa chất khác nhau, những hóa
chất này gây nguy hại cho sức khỏe con người. Khi đã sử dụng ma túy
tổng hợp một thời gian lâu dài, não bộ bị tổn thương nghiêm trọng dẫn
đến những trạng thái hoang tưởng, ảo giác, có các biểu hiện ngộ độc, co
giật, kích thích (còn gọi là “ngáo đá”) khiến người sử dụng không làm
chủ hành vi của mình. Do không kiểm soát được não bộ nên người sử dụng
có thể gây ra nhiều hành động gây hại cho chính mình hoặc người xung
quanh.
Hiện nay vẫn chưa có phác đồ điều trị hiệu quả cho người nghiện ma túy tổng hợp. |
HOÀNG BẢO
Sau hơn 20 năm thâm nhập, đến nay ma túy tổng hợp (MTTH) đã trở
thành một vấn nạn lớn đối với xã hội do tình trạng sử dụng MTTH ngày
càng gia tăng. Để đối phó với tình trạng trên, đã có nhiều văn bản được
ban hành nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại
tội phạm này nhưng trên thực tế vẫn còn nhất nhiều khó khăn.
Từ các vụ án đau lòng xảy ra do các đối tượng ngáo đá gây ra, bài
toán đặt ra trong công tác phòng ngừa tội phạm, quản lý giáo dục đối
tượng ở cộng đồng dân cư cũng như việc quản lý các đối tượng trở nên
“nóng” hơn bao giờ hết.
Trong quá trình viết phóng sự này, chúng tôi đã trao đổi với một số
cán bộ trực tiếp tham gia giải quyết những việc liên quan đến các đối
tượng ngáo đá gây ra, trong đó có các vụ bắt cóc và giải cứu con tin...
Do tính chất của đối tượng phạm tội mà công tác giải quyết các vụ án này
gặp nhiều khó khăn, quá trình giải quyết cán bộ chiến sỹ phải đối mặt
với rất nhiều nguy hiểm.
Vụ việc xảy ra tại TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai vào 16h45 ngày 26-1 là
một ví dụ. Trước khi thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng Nguyễn Xuân
Thịnh (26 tuổi, trú tại số nhà 084, đường Sơn Đạo, thành phố Lào Cai) kẻ
nghiện ma túy đá; có một tiền án về tội cướp giật đã sử dụng ma túy đã
bị ảo giác. Cho rằng có một người đang truy đuổi anh ta, đối tượng này
trên đường đi lang thang đã dùng dao nhọn uy hiếp chị Phạm Hà Vi.

Đối tượng Nguyễn Xuân Thịnh uy hiếp con tin.
Quá trình giải cứu nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn do sự manh
động của đối tượng gây án. Đối tượng Thịnh bị kích động mạnh do ảo giác
đã dùng dao nhọn kề vào cổ con tin uy hiếp...
Trong tình huống đó, các đơn vị gồm Công an phường Duyên Hải, các đội
nghiệp vụ Công an thành phố Lào Cai và cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu
quốc tế Lào Cai đã thuyết phục rồi khống chế đối tượng, giải cứu an toàn
cho con tin sau 45 phút căng thẳng.
Thực tế cho thấy, trên 90 % các vụ việc đối tượng ngáo đá có hành vi
vi phạm pháp luật đều được giải quyết bằng phương pháp thuyết phục, động
viên... Trong quá trình thương thuyết, yêu cầu đảm bảo an toàn cho nạn
nhân và nhân dân luôn được các cán bộ thực thi nhiệm vụ đặt lên hàng
đầu.
Trong trường hợp này, tổ công tác được giao nhiệm vụ lựa chọn người
thương thuyết là người thân trong gia đình dòng họ, người am hiểu tâm
lý, có uy tín với đối tượng. Quá trình giải cứu, cán bộ, chiến sỹ phải
nhanh chóng đánh giá, đưa ra những quyết định kịp thời, để vừa nắm bắt
được thông tin về đối tượng, đảm bảo an toàn cho nạn nhân....
Để hạn chế các vụ án do đối tượng ngáo đá gây ra, thời gian qua trên
cả nước đã có nhiều mô hình, biện pháp quản lý, xử lý người có biểu hiện
sử dụng ma túy đá. Một trong số đó là mô hình của Công an TP Hà Nội. Do
đặc thù Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước,
tập trung nhiều đầu mối giao thông nên các vụ việc xảy ra trên địa bàn
không chỉ là người Hà Nội gây ra, mà còn do các đối tượng từ địa phương
khác, sau khi sử dụng MTTH có biểu hiện loạn thần về Hà Nội gây án...
Công an TP Hà Nội đã triển khai thực hiện Hướng dẫn số 452 về “Công
tác quản lý người sử dụng MTTH gây suy giảm chức năng nhận thức, hoang
tưởng, loạn thần, ảo giác trên địa bàn TP Hà Nội”; Kế hoạch số 349 về
“phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm gây án rất nghiêm trọng, đặc biệt
nghiêm trọng do nguyên nhân xã hội, quản lý người tâm thần có xu hướng
bạo lực, người sử dụng MTTH có biểu hiện ngáo đá trên địa bàn TP Hà
Nội”.
100 % các đối tượng có biểu hiện ngáo đá đều có hồ sơ quản lý; mỗi
đối tượng có biện pháp quản lý và giao trách nhiệm cụ thể gắn với từng
cán bộ quản lý. Từ tháng 11-2016 đến giữa năm 2017, Công an TP Hà Nội đã
rà soát, lập hồ sơ quản lý 251 đối tượng có biểu hiện ngáo đá; đưa đi
cai nghiện bắt buộc 6 đối tượng; vận động đi cai nghiện tự nguyện 28 đối
tượng; đi chữa bệnh tâm thần 18 đối tượng... Các biện pháp trên đã góp
phần giảm các vụ phạm pháp hình sự do đối tượng có biểu hiện ngáo đá gây
ra.
Trên cả nước hiện nay, việc quản lý người nghiện nói chung, đối tượng
có biểu hiện ngáo đá nói riêng hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Theo
đó, nguyên nhân bắt đầu từ hệ thống văn bản pháp luật.
Theo Thông tư liên tịch số 17/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA ngày 9-7-2015, quy
định thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định người nghiện thì phải là
bác sỹ, y sỹ, có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định
của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; có chứng chỉ hoặc chứng nhận tập huấn về
chẩn đoán và điều trị cắt cơn nghiện ma túy do Cục Quản lý khám, chữa
bệnh- Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức
hoặc các bệnh viện được Bộ Y tế giao...
Ngoài ra, về quy trình xác định người nghiện ma túy chất dạng
Amphetamine thì phải khẳng định được ít nhất 3 trong 6 triệu chứng trong
vòng 12 tháng. Thế nhưng năm trong sáu triệu chứng làm căn cứ kết luận
là triệu chứng cơ năng (đối tượng tự khai). Mà trong thực tế, đối tượng
chỉ nhận mình có sử dụng ma túy đá nhưng không nhận mình là người nghiện
ma túy và khẳng định sẽ tự bỏ được.
Trong khi đó, hội chứng cai nghiện ma túy đá thường không xuất hiện
hoặc xuất hiện rất mờ nhạt; việc xác định đối tượng có sử dụng MTTH hay
không phụ thuộc hoàn toàn vào thử test hoặc xét nghiệm máu... và phụ
thuộc vào lời khai của đối tượng. Đối tượng khi được gia đình, chính
quyền địa phương đưa tới trung tâm để xác định tình trạng nghiện thường
đang trong trạng thái ngáo đá nên việc hỏi đáp, gặp rất nhiều khó khăn.
Về mặt pháp luật, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính
2012, Nghị định số 221/2013, Thông tư Liên tịch số 17/2015 thì quy trình
xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người nghiện MTTH trên thực
tế vẫn chưa thực hiện được vì cần phải có thời gian lưu giữ để theo dõi
dấu hiệu lâm sàng. Quá trình lưu giữ đối tượng ở đâu, do ai lưu giữ,
trường hợp nào chưa có quy định cụ thể.
Việc không xác định được tình trạng nghiện đối với người sử dụng MTTH
đã gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan Công an trong việc thống kê, báo
cáo, lập hồ sơ quản lý và có hình thức cai nghiện phù hợp đối với người
nghiện MTTH.
Cùng với đó, hiện nay, việc quản lý đối tượng nghiện MTTH có biểu
hiện ngáo đá chủ yếu do cơ quan Công an trực tiếp thực hiện, sự tham gia
của các lực lượng khác như cấp ủy, chính quyền cơ sở và tổ chức đoàn
thể xã hội còn hạn chế...
Để đấu tranh với đối tượng ngáo đá thì công tác phòng ngừa phải đi
trước một bước, đồng thời phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ
thống chính trị, các ban, ngành đoàn thể, các tầng lớp nhân dân vào công
tác phòng ngừa.
Cùng với đó là việc nâng cao chất lượng dịch vụ cai nghiện phục hồi
cho người nghiện ma túy; hỗ trợ, nhân rộng mô hình cai nghiện dựa vào
gia đình, cộng đồng và có hiệu quả.
Cơ quan Công an tiếp tục đẩy mạnh công tác nắm tình hình địa bàn; di
biến động của các đối tượng có điều kiện, khả năng hoặc biểu hiện nghi
vấn các hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy nói chung và
MTTH nói riêng để tập trung phòng ngừa, đấu tranh, xử lý.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ANTT gồm
quản lý nhân, hộ khẩu; kiểm soát tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy
cảm như quán bar, karaoke...
Với các trường hợp đối tượng sử dụng MTTH có biểu hiện ngáo đá cần
được áp dụng biện pháp đi chữa bệnh tâm thần hoặc cai nghiện tự nguyện.
Sau khi đối tượng trở về địa phương cần tiếp tục theo dõi, quản lý đối
tượng bằng hồ sơ; đồng thời phối hợp với gia đình thường xuyên gọi hỏi,
giáo dục để nắm tình hình và diễn biến hoạt động trên địa bàn.
Bài 1: Những nỗi đau thể xác không đáng có
Ma túy đá không chỉ tràn vào các vũ trường, quán bar ở các thành phố
lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng... mà còn lan về các miền quê
và trở thành sự “sành điệu có lựa chọn” của những tay chơi khi đã chán
với heroin hoặc quá quen với thuốc lắc.
Những ngày qua, vụ cô gái trẻ tử vong sau khi sử dụng ma túy cùng ca
sỹ Châu Việt Cường (tên thật là Nguyễn Việt Cường, SN 1984, quê ở Hà
Trung, Thanh Hóa) và một số người khác, do bị nhét hơn 30 nhánh tỏi vào
mồm, tại quận Ba Đình, Hà Nội khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Trên địa
bàn Hà Nội, đây là một trong số gần 30 vụ việc vi phạm pháp luật do đối
tượng ngáo đá gây ra. Bên cạnh lối sống bệnh hoạn, buông thả của những
người trong cuộc, vụ việc thêm một lần nữa cho thấy sự tàn phá thảm khốc
của các loại ma túy này.
Liên quan đến vụ án, quá trình điều tra Công an quận Ba Đình bước đầu
xác định là do ảo giác về ma túy. 3h30 ngày 5-3, Châu Việt Cường, Nam
Khang (tức Đoàn Quý Nguyên, quê Thừa Thiên – Huế) rủ chị T.M.H (20 tuổi,
ở Chương Mỹ, Hà Nội) và một cô gái đến nhà Phạm Đức Thế, ở phố Nguyễn
Văn Ngọc (thuộc phường Cống Vị, quận Ba Đình), sử dụng ma túy. Khoảng 8h
cùng ngày, Châu Việt Cường bị ảo giác nghĩ chị H bị ma nhập nên ghì cổ,
nhét tỏi vào miệng chị H. Hành động của nam ca sĩ khiến nạn nhân tắc
thở, tử vong.

Khu tập thể - nơi xảy ra vụ việc ca sỹ Châu Việt Cường làm một cô gái tử vong.
Thời gian gần đây, tình trạng đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp
(MTTH) có biểu hiện ngáo đá trên toàn quốc nói chung, địa bàn TP Hà Nội
nói riêng ngày càng nhiều. Các đối tượng này chủ yếu nằm trong độ tuổi
từ 18-40.
Khi sử dụng loại ma túy này, người sử dụng bị loạn thần, suy giảm khả
năng nhận thức điều khiển hành vi. Sử dụng trong thời gian dài, dẫn đến
triệu chứng về loạn thần, có hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và xã
hội như cào rách mặt mũi, tự chặt ngón tay, chân hoặc ngón nhô lên cao.
Vụ việc xảy ra tại bệnh viện tỉnh Thái Nguyên vừa qua là một ví dụ.
Khoảng 10 giờ ngày 27-2, nam thanh niên tên Q (ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên)
dù không có bệnh tật gì cũng đến bệnh viện yêu cầu bác sĩ tháo đốt tay.
Khi yêu cầu trên không được các bác sĩ đáp ứng, đối tượng đã mua dao
quay trở lại bệnh viện đe dọa. Vụ việc đã được ngăn chặn do bệnh viện đã
kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nên không gây hậu quả nghiêm
trọng.
Nhiều vụ việc để lại hậu quả đau lòng như vụ thảm án xảy ra vào ngày
mùng 3 Tết (18-2) khiến 3 người tử vong, 2 người bị thương tại thôn
Phiêng Dịt, xã Phan Thanh, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.
Theo tài liệu thu thập được thì Hoàng Văn Huỳnh (19 tuổi, trú tại
thôn Phiêng Dịt, xã Phan Thanh), đối tượng gây ra vụ án trên là một kẻ
nghiện ngập ma túy, có hoàn cảnh gia đình rất éo le.
Rạng sáng 18-2, sau khi đi chơi về, Hoàng Văn Huỳnh đã vào phòng chị
dâu mình thực hiện hành vi đồi bại nhưng bị chị chống cự và bỏ chạy.
Trong cơn ngáo đá, Huỳnh đã dùng dao gây thương tích nặng cho nạn nhân.
Khi ông nội của Huỳnh là Huỳnh Văn Lý (74 tuổi) chạy ra can ngăn thì bị
đối tượng chém tử vong. Không dừng lại ở đó, đối tượng còn liên tiếp gây
án, làm một cháu nhỏ, con của nạn nhân tử vong, một cháu bị thương
nặng. Sau khi gây án, đối tượng đã tự kết liễu đời mình.
Các vụ ngáo đá liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua đã cho thấy
hậu quả khốc liệt, tác hại của loại ma túy cực độc này. Đây được coi là
loại chất độc thần kinh. Khi người sử dụng đưa vào cơ thể, ma túy đá sẽ
tác động vào thần kinh trung ương gây cảm giác hưng phấn, tự tin, hạnh
phúc, yêu đời nhưng cũng tạo ra thói hung hãn, liều mạng, do mất kiểm
soát hành vi.
Một nghiên cứu của Viện Chiến lược và Khoa học Công an cho thấy: Nguy
hiểm nhất là chứng hoang tưởng ảo giác (thường gọi là trạng thái ngáo
đá). Rơi vào trạng thái ngáo đá, con người không còn là chính mình, một
người hiền lành, nhút nhát cũng có thể trở nên cực kỳ hung hăng, sẵn
sàng làm bất cứ việc gì mà bình thường họ không bao giờ dám làm như
phóng xe điên cuồng trên đường phố, tự rạch, cào, tự cắn xé cơ thể, quan
hệ tình dục tập thể... sẵn sàng tấn công, gây thương tích nghiêm trọng
cho cả những người thân trong gia đình.
Việc sử dụng MTTH đã và đang gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề cho
người sử dụng, gia đình và cộng đồng. Người nghiện MTTH ngày càng nhiều
và không ít người đã trở thành bệnh nhân tâm thần vì sử dụng lâu ngày.
Tác hại của MTTH rõ ràng như vậy nhưng vì sao, tình trạng sử dụng vẫn có
xu hướng gia tăng?
Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi được biết, một số sử dụng vì cho rằng MTTH
đem lại cảm giác hưng phấn mạnh mẽ, gây khoái cảm, phấn khích, tinh
thần mẫn tiệp; không còn cảm giác đói. Lúc đầu, họ sử dụng với mục đích
tăng sự tỉnh táo, chống mệt mỏi..., nhưng sau đó thì trở thành lạm dụng
và bị nghiện.
Thời gian đầu, do giá thành cao nên người sử dụng loại ma túy đá này,
phần nhiều là con nhà khá giả nhưng hiện nay do lượng cung lớn lên đối
tượng đã mở rộng hơn. Đối tượng sử dụng hiện nay phần lớn là thanh,
thiếu niên thiếu sự quan tâm, quản lý của gia đình.
Việc chẩn đoán, điều trị, cai nghiện MTTH nói chung và ma túy mới nói
riêng hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, bởi đa số các loại ma túy mới
chưa có thuốc điều trị, chưa có phác đồ điều trị... Việc ngăn chặn tình
trạng sử dụng ma túy đá đang đặt ra hết sức cấp thiết.

Ảnh minh họa
Theo đó, khối lượng hoặc thể tích
các chất ma túy theo quy định của Nghị định này là khối lượng hoặc thể
tích các chất ma túy thu giữ hoặc chứng minh được trong quá trình điều
tra, truy tố, xét xử.
Việc xác định khối lượng thuốc phiện
trong xái thuốc phiện, thuốc phiện pha loãng, thuốc phiện pha trộn được
tính theo thuốc phiện chứa 10% morphine làm căn cứ quy đổi.
Tỷ lệ phần trăm về khối lượng hoặc thể
tích của từng chất ma túy được tính theo quy định của Nghị định này nếu
là số thập phân thì gồm một chữ số sau dấu phẩy và không làm tròn.
Nghị định cũng quy định, trường hợp các
chất ma túy được quy định trong cùng một điểm của khoản 2, 3, 4 Điều 248
(Tội sản xuất trái phép chất ma túy); hoặc trong cùng một điểm của
khoản 1, 2, 3, 4 Điều 249 (Tội tàng trữ trái phép chất ma túy); hoặc
trong cùng một điểm của khoản 1, 2, 3, 4 Điều 250 (Tội vận chuyển trái
phép chất ma túy); hoặc trong cùng một điểm của khoản 2, 3, 4 Điều 251
(Tội mua bán trái phép chất ma túy); hoặc trong cùng một điểm của khoản
1, 2, 3, 4 Điều 252 (Tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật Hình sự năm
2015, thì cộng khối lượng hoặc thể tích của các chất ma túy lại với
nhau và đối chiếu với quy định về khối lượng hoặc thể tích của nhóm chất
ma túy đó trong các khoản của điều luật được áp dụng để xác định tổng
khối lượng hoặc thể tích của các chất ma túy thuộc trường hợp quy định
tại khoản nào của điều luật được áp dụng.
(PL)- Ngay sau khi thông tin một loại ma túy mới như kẹo xuất hiện trong học đường, Cục Cảnh sát về ma túy vào cuộc xác minh.
Gần đây thông tin về một loại ma túy mới “quả dâu tây nhanh” tấn công học đường đang lan truyền trên mạng Facebook. Ngày 24-1, Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công an)
cho biết ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tướng Đồng Đại Lộc,
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát kiêm Cục trưởng Cục C47, đã chỉ
đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp cùng các đơn vị chức năng khẩn trương
tìm hiểu về loại ma túy mới này để thông tin chính thức cho người dân.
Đại tá Nguyễn Đình Khu, Trưởng phòng Đấu
tranh với tội phạm ma túy tổng hợp và tiền chất, Cục C47, cho biết:
Thông tin xuất hiện các chất ma túy mới ở khu vực xung quanh các trường
học được đăng trên tài khoản Facebook Lapson Luu. Tài khoản này có thông
tin cá nhân là của một người nữ, hiện sống ở Corona, California. Thông
tin không nêu rõ về địa điểm xuất hiện các loại kẹo, bánh, nước ngọt
nghi có chứa chất ma túy nhưng gây hoang mang cho cha mẹ học sinh.

Hình ảnh ma túy “quả dâu tây nhanh” được đăng tải trên Facebook.
“Các trinh sát của Cục C47
đã trực tiếp nắm tình hình tại khu vực xung quanh một số trường học ở
Hà Nội, chưa phát hiện và chưa có thông tin nào liên quan đến việc xuất
hiện ma túy “quả dâu tây nhanh” nói riêng và ở Việt Nam nói chung” - ông
Khu cho biết.
Theo ông Khu, Cục C47 sẽ tiếp tục nắm
tình hình, nếu có thông tin các loại ma túy xuất hiện tại Việt Nam thì
sẽ tổ chức xác minh và đấu tranh.
Trước đó, ngày 15-1, một tài khoản
Facebook đăng tải thông tin về một loại ma túy mới trong trường học,
được gọi là “quả dâu tây nhanh”. Tài khoản này cảnh báo: “...đó là
những viên kẹo có trộn tinh thể meth (ma túy) và có hình dáng như viên
kẹo dâu tây, đang được truyền đi xung quanh trong các trường học. Khi
ngậm viên kẹo này nó sẽ “bật” trong miệng của bạn và có mùi như dâu tây.
Nên có tên gọi đó là kẹo dâu tây. Những người khi nuốt phải những viên
kẹo này nghĩ rằng đó chỉ là bánh kẹo và hậu quả là sẽ bị đưa đến bệnh
viện trong tình trạng nguy kịch. Chất ma túy này cũng có trong bánh
sôcôla, bơ đậu phộng, cola, anh đào, nho và cam…”.
Sau vài ngày đăng tải, đến nay đã có
hàng trăm ngàn lượt chia sẻ và bình luận, nhiều phụ huynh hoang mang, lo
lắng về thông tin này.
Sau khi xác minh, C47 có thông tin như
trên. Cũng theo đơn vị này, thời gian qua, tình hình tội phạm ma túy, ma
túy tổng hợp vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là địa bàn các tỉnh, thành phố
lớn. Đặc biệt, thời gian qua đã xuất hiện trở lại tình trạng tách chiết,
điều chế và sản xuất ma túy tổng hợp ở trong nước.
Trong năm 2017, lực lượng CSĐT tội phạm
về ma túy đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ hơn
22.000 vụ với gần 35.000 người liên quan đến ma túy (nhiều hơn 3.000
vụ, gần 3.500 người so với năm 2016). Thu giữ hàng tấn heroin, ma túy
tổng hợp, cocain, thuốc phiện, cần sa… và gần 320 khẩu súng của những
người buôn bán ma túy…
NGỌC BẢO
|
|