(PL)- Công an phát hiện nhiều loại ma túy mới nhưng gặp khó khi xử lý vì chưa có trong danh mục quản lý của Chính phủ.
Mới đây, Công an TP Hà Nội bắt giữ một
người đang vận chuyển các gói lá cây khô cắt nhỏ đang trên đường giao
cho khách. Công an thu giữ tang vật, đem đi giám định cho kết quả các
gói lá khô trên có thành phần AMB.
Mới cập nhật nhưng đã “lỗi thời”
Trước đó, Công an tỉnh Tuyên Quang cũng
bắt giữ một người, thu giữ các gói nhỏ lá cây xay vụn. Kết quả giám định
phát hiện có chất AMB-Fubinaca.
Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C47, Bộ
Công an) cho biết AMB và AMB-Fubinaca là những chất mới trong nhóm cần
sa tổng hợp, có tác dụng gây ảo giác tương tự Delte 9-TDC (là hoạt chất
chính trong cần sa).
Tuy nhiên, hai chất trên chưa có trong
danh mục các chất ma túy và tiền chất do Chính phủ ban hành cũng như
chưa có trong danh mục các điều ước quốc tế về ma túy mà Việt Nam tham
gia nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác xử lý.
Ngoài những chất ma túy chưa có trong
danh mục nêu trên, công an cũng phát hiện các loại ma túy tổng hợp
(MTTH) mới với đủ chủng loại, mẫu mã, thành phần dạng viên nén, bột,
tinh thể, dạng nước, thảo mộc xay vụn…
Thượng tá Bùi Đức Thiêm, Phó Trưởng
phòng Đấu tranh với tội phạm MTTH và tiền chất (Cục C47), cho biết MTTH
được sản xuất ra từ các loại tiền chất. Mỗi loại tiền chất tương ứng lại
có thể điều chế ra một chất MTTH mới. Tội phạm có thể tổng hợp một hoặc
nhiều loại tiền chất khác nhau để cho ra các loại ma túy mới, thậm chí
cũng các loại tiền chất đó nhưng pha trộn tỉ lệ khác nhau cũng cho ra
các loại ma túy khác nhau. Do vậy MTTH mới sẽ xuất hiện ngày càng nhiều
và rất khó kiểm soát.
“Nghị
định 126/2015 của Chính phủ về danh mục các chất ma túy và tiền chất đã
bổ sung một số chất nhưng vừa bổ sung đã lạc hậu vì sau đó đã xuất hiện
một số chất ma túy và tiền chất mới” - ông Thiêm nói.

Nhiều loại ma túy tổng hợp mới chưa có trong danh mục của Chính phủ. Ảnh: Ngọc Bảo
Lo ngại gia tăng sản xuất MTTH trong nước
Theo C47, MTTH đã và đang trở thành hiểm họa và đến nay vẫn chưa có phác đồ điều trị triệt để cho người sử dụng MTTH.
“Những người sử dụng ma túy truyền thống
đang chuyển dần sang MTTH. Công an tăng cường ngăn ma túy thẩm lậu vào
Việt Nam nên tội phạm đang tìm cách sản xuất MTTH trong nước để cung cấp
cho người nghiện. Công tác quản lý tiền chất ở dạng hợp chất chưa chặt”
- ông nói.
Theo ông Thiêm, các cơ quan quản lý tiền
chất ở giai đoạn phân phối làm chưa tốt, các cửa hàng mua bán tân dược
chỉ làm phiếu mà không biết nguồn thuốc đi đâu về đâu. “Các đối tượng
sản xuất ma túy đi mua rồi gom lại để sản xuất ma túy. Thậm chí họ mua
cả thuốc đã hết hạn sử dụng mang về chưng cất ra tiền chất để sản xuất
MTTH” - ông Thiêm nói.
Ông cho hay tiền chất thông thường để sản xuất ma túy thì có đầy ở phố Hàng Hòm (Hà Nội) hay chợ Kim Biên (TP.HCM), còn tiền chất nguy cơ cao thì chúng tìm đủ mọi cách, thậm chí mua ở nước ngoài về bằng con đường phi pháp.
Thường xuyên bổ sung, cập nhật
Theo quy định của công ước quốc tế và
pháp luật Việt Nam, một chất trở thành chất ma túy phải đưa vào danh mục
Chính phủ quản lý. Trong khi một số chất MTTH mới xuất hiện ở Việt Nam
chưa có trong danh mục. Hiện C47 đang phối hợp với các cơ quan chức năng
kiểm định chất nào là ma túy để sớm báo cáo Chính phủ đưa vào danh mục
để quản lý; chất nào có thể bị lợi dụng để sản xuất MTTH để kiểm soát
chặt hơn.
“Chúng tôi cũng thông báo đến các đơn
vị, trong quá trình phát hiện các chất ma túy mới thì có thông tin, báo
cáo kịp thời để đưa vào danh mục. Việc tẩm ướp các chất cần sa tổng hợp
vào thảo mộc, cỏ khô mang bán trên thị trường đang lan rộng. C47 đã có
văn bản tham mưu cho Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an kiến nghị với Chính
phủ bổ sung các chất mới trong nhóm cần sa tổng hợp để xử lý” - một lãnh
đạo C47 cho biết.
Theo C47, trong năm năm qua cơ quan CSĐT tội phạm về ma
túy toàn quốc đã phát hiện, bắt giữ gần 80.000 vụ liên quan đến ma túy,
thu giữ hơn hai tấn MTTH. Số lượng MTTH thu giữ năm sau luôn cao hơn năm
trước, đặc biệt Hà Nội và TP.HCM lượng MTTH tăng 50%. Riêng sáu tháng
đầu năm 2017 thu giữ 759 kg và 436.115 viên MTTH, hơn 251 kg cần sa. |
NGỌC BẢO
Thời gian gần đây, ở tỉnh Quảng Trị nổi lên một số vụ việc
học sinh do những mâu thuẫn cá nhân đã tự giải quyết với nhau bằng bạo
lực, hành hung tập thể, khiến dư luận hết sức lo lắng.
Thượng tá Nguyễn Hoài Nam, Phó trưởng Công an TP Đông Hà (Quảng
Trị) cho hay, có những mâu thuẫn rất đơn giản, nhưng các em học sinh đã
không xử sự bằng cái lý đúng, sai đơn thuần và tình cảm bạn bè, trường
học, cũng như không trình bày hay kể lại sự việc với thầy cô giáo, nhà
trường và cha mẹ, mà tự đáp trả nhau bằng bạo lực, thậm chí còn lôi kéo
nhiều bạn bè vào việc để hành hung tập thể đối phương rất dã man.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị làm việc với UBND, Công an TP Đông Hà chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc em Q bị đánh.
Điển hình vụ em Q. (16 tuổi, trú phường Đông Lễ, TP Đông Hà,
vừa học xong THCS chuẩn bị vào học THPT) bị một nhóm học sinh đánh hội
đồng, gây thương tích nặng, đến nay sau gần 3 tuần lễ xảy ra song khi
nhắc đến nhiều người vẫn chưa hết nỗi bức xúc bởi cách hành xử quá thô
bạo của các em.
Ông Nguyễn Tăng, Phó Chủ tịch UBND TP Đông Hà, cho biết: “Nhiều người
không dám xem hết clip vì các em đánh quá hung bạo, dùng cả mũ bảo hiểm
đánh bạn”.
Bác sĩ Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho
hay: “Khi bệnh nhân Q. được đưa vào cấp cứu điều trị tại bệnh viện, bên
cạnh các vết thương trên cơ thể như toàn bộ vùng bụng bị phù nề, tai
trái bị chảy máu trong, thủng nhĩ hoàn toàn, tâm tinh thần bệnh nhân này
còn rất hoảng loạn, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị”.
Vào tháng 7-2016, trên địa bàn huyện Hải Lăng (Quảng Trị), cũng xảy
ra một vụ việc 3 học sinh đánh nhau, các bạn khác tập trung nhau lại,
đứng cạnh đó để xem, rồi quay video tung lên mạng xã hội, cổ vũ hành vi
xấu xa này bằng một thái độ rất vô cảm, khiến dư luận hết sức lo lắng.
Công an huyện Hải Lăng đã nhanh chóng xác định được vụ việc trên do 2
em nữ sinh lớp 9, Trường THCS Hải Thọ và THCS thị trấn Hải Lăng cùng
đánh một nữ sinh khác học lớp 10 Trường THPT Hải Lăng. Cả 3 học sinh này
quen biết nhau nhưng do em này xúc phạm phụ huynh của em kia dẫn đến
mâu thuẫn, rồi hẹn nhau ra Công viên 19-3 ở thị trấn Hải Lăng xông vào
đánh đấm nhau, giật tóc…
Trở lại vụ việc nữ sinh Q., Thượng tá Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm,
Công an TP Đông Hà đã điều tra, xác định hành vi của các em học sinh
trực tiếp đánh em Q. là có dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích”, được
quy định tại Điều 104, Bộ luật Hình sự. Khi xác định được tỉ lệ thương
tật, cơ quan Công an sẽ có kết luận về hình thức xử lý.
Theo Thượng tá Nam, cùng với nạn bạo lực học đường, tình trạng học
sinh nghiện hút (nhiều nhất là ma túy đá) trên địa bàn đang có dấu hiệu
gia tăng phức tạp. Công an TP Đông Hà đã triệt xóa nhiều điểm ma túy,
khởi tố vụ án đối với đối tượng phạm tội; đồng thời xử phạt hành chính
các trường hợp sử dụng ma túy trái phép, trong số đó có không ít thanh
thiếu niên, học sinh. Đáng chú ý, các đối tượng buôn bán ma túy hiện nay
tinh vi hơn trước rất nhiều, chúng đã nghiên cứu, thay đổi phương án
mua bán, tập trung vào các tiệm Internet để bán cho các em học sinh mê
chơi games điện tử.
Chỉ trong 11 ngày của tháng 6-2017, Công an TP Đông Hà đã bắt, xử lý
hàng chục vụ buôn bán, tàng trữ và sử dụng ma túy trái phép trên địa bàn
thành phố.
Phan Thanh Bình (CAND)
ANTD.VN - Với chủ đề “Cộng đồng chung tay hỗ trợ người nghiện”, Tháng
hành động phòng, chống ma túy năm nay tập trung vào việc kêu gọi toàn
dân chung tay giúp đỡ, hỗ trợ người nghiện cai nghiện và hòa nhập cộng
đồng.

Xóa bỏ sự kỳ thị và quan tâm đào tạo nghề là điều cần thiết giúp người nghiện ma túy tránh đi vào “vết xe đổ”
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tái nghiện cao là do nhận
thức của người nghiện, gia đình người nghiện và cộng đồng xã hội về điều
trị, cai nghiện ma túy chưa đầy đủ. Người nghiện luôn mặc cảm, tự ti,
buông xuôi, phó mặc, thiếu ý chí và quyết tâm cai nghiện; Cộng đồng xã
hội còn phân biệt đối xử, xa lánh với người nghiện. Chính vì vậy, người
đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH kêu gọi, xã hội, gia đình, người thân hãy là
động lực quan trọng, thiết thực nhất để giúp người nghiện từ bỏ ma túy.
Hàng nghìn người đã từ bỏ được ma túy
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm, tính đến tháng
5-2017, cả nước đã tổ chức điều trị, cai nghiện và quản lý sau cai cho
hơn 100.000 người nghiện, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại
các địa phương. Tuy nhiên, công tác cai nghiện vẫn chưa đáp ứng được yêu
cầu, nhiệm vụ đặt ra. Tình hình tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, nhiều
địa phương sau 2 năm tỷ lệ tái nghiện còn cao.
Người
nghiện ma túy đã có ở 100% các tỉnh, thành phố với gần 90% quận, huyện
và khoảng 70% xã, phường, thị trấn. Người nghiện cũng đã xuất hiện ở mọi
thành phần trong xã hội như học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên
chức, người lao động… Đa số người nghiện ma túy có trình độ văn hóa
thấp với khoảng 10% không biết chữ và 59% có trình độ văn hóa từ tiểu
học tới trung học cơ sở.
Các chuyên gia cho rằng, dù việc điều trị cai nghiện rất khó
khăn, phức tạp nhưng nếu bản thân người nghiện quyết tâm cùng sự giúp đỡ
của gia đình, chính quyền, cộng đồng thì hoàn toàn có thể cai nghiện
thành công.
Đáng chú ý, khoảng 2/3 số người nghiện chưa từng được đào tạo nghề,
gần 20% đã được học nghề nhưng không được cấp chứng nhận, chứng chỉ và
khoảng 12% là được đào tạo nghề một cách chính quy, được cấp bằng, chứng
chỉ tốt nghiệp. Hầu hết người nghiện ma túy không có nghề nghiệp ổn
định, chi tiêu chủ yếu từ nguồn hỗ trợ của gia đình, thu nhập hợp pháp
chỉ bằng 1/3 số tiền chi cho sử dụng ma túy. Khoảng 50% người nghiện đã
gặp những vấn đề sức khỏe tâm thần và các vấn đề sức khỏe thể chất. Thời
gian qua, ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đã có hàng nghìn người
sau cai nghiện 3-5 năm chưa tái nghiện.
Có thể trở thành người có ích
Chia sẻ thông tin về những điển hình trong công tác cai nghiện, đại
diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, nhiều người từng nghiện nặng, nghiện có
thâm niên nhưng đã quyết tâm cai nghiện, tích cực tham gia các hoạt động
xã hội, được cộng đồng ghi nhận, bầu làm Công an viên, tổ trưởng Tổ tự
quản… Một số người hiện đang là chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, chủ
nhiệm câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng và tích cực tham gia các hoạt động giúp
đỡ người cùng cảnh ngộ.
Ví dụ như trường hợp anh Tống Duy Thanh, tổ dân phố - Xóm Chợ II, thị
trấn Mường Khương, tỉnh Lào Cai từng là người nghiện và buôn bán ma túy
đã hoàn lương, hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế xã hội, đồng thời
là tình nguyện viên trong Đội tình nguyện tích cực tham gia các hoạt
động giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện, ổn định cuộc sống. Hay anh
Nguyễn Anh Tuấn ở phường Hùng Vương, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ đã cai
nghiện ma túy được 10 năm, ổn định cuộc sống, được chính quyền và nhân
dân tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố Tân Trung và là tình
nguyện viên.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, có thể khẳng định
được một điều là nghiện ma túy hoàn toàn có thể cai được. Từ bỏ ma túy,
người nghiện hoàn toàn có thể trở thành người có ích cho xã hội. “Những
hướng nhìn về việc cai nghiện ma túy theo chiều tối sẽ giảm đi. Những
chia sẻ của người cai nghiện thành công cũng sẽ giúp nhà quản lý có cái
nhìn khác về công tác này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, để cai nghiện thành công, ngoài
sự quyết tâm của người nghiện cần có sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng
về mọi mặt như y tế, tâm lý và xã hội phù hợp với nhu cầu của từng
người. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức
của các cấp, ngành, thay đổi cách tiếp cận về cai nghiện và hỗ trợ sau
cai nghiện, tuyên truyền giảm kỳ thị với người nghiện ma túy. Một hướng
đi nữa cần quan tâm là nâng cao chất lượng đào tạo nghề, dạy nghề cho
người nghiện sau cai.
Đa dạng hóa các hình thức điều trị, cai nghiện ma túy
Đầu tháng 6-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị
về tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình
mới. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu đa dạng hóa các hình thức điều trị, cai
nghiện ma túy như cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện, điều trị
thay thế bằng Methadone và kết nối các dịch vụ hỗ trợ xã hội sẵn có tại
địa phương.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ,
nâng cao năng lực hệ thống tổ chức thực hiện công tác phòng, chống và
cai nghiện ma túy, tăng cường công tác quản lý người nghiện ma túy tại
các cơ sở cai nghiện.
Đáng chú ý, tại Chỉ thị này, Thủ tướng cũng yêu cầu tổ chức nghiên
cứu, sản xuất các bài thuốc và phương pháp điều trị, cai nghiện ma túy
an toàn, hiệu quả, đặc biệt là điều trị các rối loạn do sử dụng ma túy
tổng hợp. Nhân rộng sử dụng các bài thuốc Đông y do Việt Nam sản xuất
như Cedemex, Heantos, Bông Sen...
(PL)- Theo Cục Cảnh sát ma túy, sản xuất ma túy trong nước có dấu hiệu
tăng trở lại do quản lý tiền chất lỏng lẻo, công thức sản xuất dễ hơn.
Thiếu tá Nguyễn Minh Cương, Phó Trưởng
phòng 5, Cục Cảnh sát ma túy, Bộ Công an, cho biết tình trạng sản xuất
ma túy tổng hợp (methamphetamine) trong nước đang có dấu hiệu tăng trở
lại.
Sản xuất ma túy ngày càng dễ hơn
Năm 1995, Công an TP.HCM bắt giữ một
người Đài Loan sản xuất ma túy tổng hợp để chuyển ra nước ngoài tiêu
thụ. Đây là vụ phát hiện, bắt giữ sản xuất trái phép ma túy tổng hợp đầu
tiên tại Việt Nam. Từ đó đến nay, lực lượng cảnh sát ma túy cả nước đã
phát hiện, bắt giữ trên 20 vụ việc có liên quan đến sản xuất ma túy tổng
hợp từ các loại tiền chất, hóa chất. Mới đây nhất, Công an TP.HCM lại
phát hiện tổ hợp sản xuất ma túy “khủng” nhất từ trước đến nay.
Theo Thiếu tá Cương, việc sản xuất ma
túy tổng hợp ngày càng đơn giản vì tiền chất “rất sẵn”, quản lý lại lỏng
lẻo. Công thức điều chế cũng đang trở nên “dễ có” hơn vì các băng nhóm
tội phạm mua bán hoặc móc nối với những người từng ra nước ngoài tham
gia sản xuất ma túy mang công thức về nước…
Trong thời gian 2010-2013 rộ lên tình
trạng các băng nhóm sản xuất ma túy vì giá rất đắt nhưng sau đó chựng
lại vì các băng nhóm tuồn vào Việt Nam, giá chỉ còn khoảng 200 triệu
đồng/kg. Tuy nhiên, gần đây Việt Nam phối hợp với các quốc gia siết chặt
nguồn ma túy thẩm lậu qua biên giới, ma túy đá trong nước bắt đầu khan
hiếm, các băng nhóm lén lút sản xuất trở lại.
Trước
đây, tội phạm ma túy thường chiết xuất tiền chất từ các loại thuốc trị
cảm cúm thông thường. Bị công an đánh mạnh, Bộ Y tế siết chặt các loại
thuốc có khả năng dùng vào việc sản xuất ma túy nên các băng nhóm tội
phạm quay sang chiết xuất các loại dược liệu thay thế như cây ma hoàng,
tinh dầu xá xị… làm nguyên liệu.

Một phần tang vật xưởng ma túy của Văn Kính Dương vừa bị Công an TP.HCM thu giữ. Ảnh: NT
Khó đấu tranh
Thiếu tá Cương khẳng định: Điều tra các
vụ sản xuất ma túy đang gặp khó. Bởi luật không quy định tội vi phạm về
quản lý sử dụng tiền chất mà chỉ có tội mua bán, tàng trữ, vận chuyển,
chiếm đoạt tiền chất để sản xuất ma túy. Vì vậy, các vụ việc liên quan
đến tiền chất mới chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính. Muốn buộc tội
phải thu được thành phẩm hoặc chứng minh được mục đích “để sản xuất ma
túy” mà điều này không hề dễ.
“Có những vụ nấu chưa thành đã bị bắt,
theo phương châm bóp từ trong trứng, sau này phải chứng minh chúng sản
xuất với đầy đủ đồ nghề bị thu giữ, chúng mới thừa nhận. Nếu phát hiện
đồ nghề nhưng không có hóa chất hoặc thành phẩm, công an chẳng làm gì
được” - Thiếu tá Cương than.
Cũng theo ông Cương, tiền chất, hóa chất
một mặt được sử dụng hợp pháp, một mặt nó lại có khả năng dùng vào việc
sản xuất ma túy nên là vấn đề nan giải với các cơ quan quản lý chuyên
ngành (y tế, công thương, hải quan).
Hiện Việt Nam có 43 loại tiền chất, Bộ Y
tế quản lý chín loại, Bộ Công thương 34 loại. Trong y tế, các tiền chất
được quản lý tương đối chặt nhưng ngành công thương còn lỏng lẻo. Các
cơ quan mới chỉ dừng lại ở mức cấp phép xuất-nhập khẩu, quá trình mua
bán, tồn trữ, mục đích sử dụng không kiểm soát nổi.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, cá nhân liên
quan đến sản xuất tiền chất thường không biết về loại chất mà họ sản
xuất có thể được sử dụng vào mục đích sản xuất ma túy nên có ai mua là
bán.
Các vướng mắc, khó khăn trên tồn tại nhiều năm nhưng chưa tháo gỡ, góp phần cho các băng nhóm rục rịch sản xuất ma túy trở lại.
Siết quản lý tiền chất, hóa chất sản xuất ma túy
Tình hình ma túy diễn biến phức tạp, các chất ma túy tổng
hợp ngày càng bị lạm dụng và có chiều hướng gia tăng, xuất hiện nhiều
chất ma túy mới nhưng chưa được quy định dẫn đến việc phát hiện, bắt
giữ, điều tra, xử lý gặp khó. Vì vậy Bộ Công an đang xây dựng dự thảo
“Nghị định sửa đổi, bổ sung danh mục các chất ma túy và tiền chất…” để
quản lý, đấu tranh với loại tội phạm này.
Theo dự thảo, bổ sung lá cây khat và gần 260 chất hướng
thần mới thuộc nhóm cần sa tổng hợp (theo thống kê của Cơ quan Phòng,
chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc - UNODC); phân loại tiền
chất thành hai nhóm thu hẹp phạm vi cấp phép cho Bộ Công Thương từ 35
loại xuống còn chín loại… để quản lý, kiểm soát, xử lý với loại tội phạm
ma túy.
Dự thảo đang được đưa ra lấy ý kiến góp ý. |
TUYẾN PHAN
(PLO)- Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã
hội, Bộ LĐ-TB&XH, đã nói như vậy tại buổi tọa đàm "Hiểm họa ma túy
và hành động của chúng ta", do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 14-6 tại Hà
Nội.
Theo ông Lập, tòa án ma túy là nơi xây
dựng quy định về miễn, tạm hoãn việc chấp hành quyết định của TAND đưa
vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và bổ sung các quy định về truy cứu trách
nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội thực hiện trước hoặc trong thời
gian chấp hành biện pháp xử lý hành chính; tạm thời đưa người đang chấp
hành biện pháp vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai
nghiện bắt buộc, ra khỏi nơi chấp hành biện pháp xử lý hành chính theo
yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng…
“Hiện có một số nước trên thế giới đã
có tòa án ma túy. Việt Nam đang đánh giá, nghiên cứu xem khi triển khai
tòa án ma túy sẽ được gì, có phù hợp với chúng ta không? Mô hình này sẽ
có ưu điểm, hạn chế gì để từng bước xây dựng. Tuy nhiên, tòa án ma túy
tại Việt Nam mới chỉ đang nghiên cứu chứ chưa áp dụng ngay. Nếu đi vào
hoạt động, tòa án ma túy sẽ ở thì tương lai xa” - ông Lập cho biết.

Tọa đàm "Hiểm họa ma túy và hành động của chúng ta" sáng 14-6.
Tại
buổi tọa đàm, ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết
hiện cả nước có hơn 200.000 người nghiện có hồ sơ quản lý. “Phần đếm
được chỉ là phần băng nổi, phần băng chìm là câu hỏi mà chúng ta cần
tiếp tục đặt ra. Làm thế nào để quản lý và hỗ trợ người nghiện có hiệu
quả. Đến nay đã có nghị định về cai nghiện tự nguyện và trình Bộ Tư pháp
thẩm định. Trong nghị định này, chúng tôi ban hành cơ chế chính sách
đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa công tác cai nghiện, tăng cường công tác
cai nghiện tự nguyện; nghiên cứu ban hành quy chế quản lý người nghiện
trong cơ sở cai nghiện theo hướng thân thiện và thực hiện quyền công
dân; đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ đáp ứng được yêu cầu của
nhiệm vụ mới. Theo đó, người đi cai nghiện có thể đi dễ dàng hơn, có chế
độ hỗ trợ cho người đi cai nghiện tự nguyện (khoảng 70% so với những
người phải đi bắt buộc)" - Thứ trưởng Đàm chia sẻ.
Cũng theo Thứ trưởng Đàm: “Nghiện ma
túy được các chuyên gia cho rằng đó là bệnh mạn tính của não bộ. Nếu
chúng ta kỳ thị, phân biệt đối xử, xa lánh người nghiện thì việc cai
nghiện sẽ thất bại. Chúng ta phải đùm bọc, chia sẻ, hỗ trợ họ, đó sẽ là
giải pháp thúc đẩy quyết tâm, nghị lực để người nghiện cai nghiện thành
công...”.
Hương Giang
ANTD.VN - Cảnh
báo xuất hiện tình trạng buôn bán, kinh doanh trái phép
“cỏ Mỹ”, “tem giấy”, “bóng cười”, “shisha”, UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch “tuyên
chiến” với các chất gây nghiện này.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 110/KH-UBND triển khai tăng
cường công tác quản lý, xử lý vi phạm liên quan đến “bóng cười”,
“shisha”, “cỏ Mỹ”, “tem giấy”.
Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, thời gian gần đây, trên địa bàn
thành phố xuất hiện tình trạng buôn bán, kinh doanh trái phép các chất
gây nghiện như “cỏ Mỹ”, “tem giấy”, “bóng cười”, “shisha”, nhất là tại
các khu vực gần trường học, quán cà phê, quán bia, quán bar, karaoke.
Người sử dụng chủ yếu là giới trẻ, học sinh, sinh viên. Việc này đã
gây ra những nguy hại sức khỏe cho người sử dụng và gây bức xúc trong dư
luận nhân dân.
Mặc dù đã nhận thức đầy đủ về hậu quả tác hại của các chất này, song
với lợi nhuận quá lớn, các đối tượng vẫn thực hiện các hành vi mua bán,
kinh doanh trái phép, tổ chức sử dụng các chất độc hại này; đồng thời,
đối với một bộ phận thanh thiếu niên, việc sử dụng các chất trên đã trở
thành trào lưu, thú tiêu khiển, thú chơi mới rất đáng báo động.

Tang vật một số vụ vi phạm về “bóng cười” bị lực lượng chức năng thu giữ
Để phòng ngừa hậu quả, tác hại khi sử dụng các chất gây nghiện, kích
thích nêu trên, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch huy động sức mạnh
của cả hệ thống chính trị vào cuộc tham gia, phối hợp làm tốt công tác
tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nhận biết tính chất nguy hại
của các chất gây nghiện để đồng tình, ủng hộ lực lượng chức năng phát
hiện, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “bóng
cười”, “shisha”, “cỏ Mỹ”, “tem giấy”, không tham gia tàng trữ, vận
chuyển, buôn bán, kinh doanh, tổ chức sử dụng, sử dụng các chất này,
đồng thời phát hiện, tố giác với cơ quan chức năng các cơ sở, tổ chức,
cá nhân vi phạm.
UBND TP yêu cầu tuyên truyền rộng rãi với nhiều hình thức, loại hình
phong phú để nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân, học sinh,
sinh viên về hậu quả, tác hại khi sử dụng các chất gây nghiện như “bóng
cười”, “shisha”, “cỏ Mỹ”, “tem giấy”; các chủ trương, chính sách của
Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp,
ngành, các tổ chức xã hội và cá nhân trong việc phòng ngừa, phát hiện,
đấu tranh với các hành vi vi phạm liên quan đến các chất gây nghiện
trên.
Cùng đó, UBND TP cũng chỉ đạo phải tăng cường phối hợp giữa các đơn
vị chức năng trong công tác kiểm tra, kiếm soát thị trường nhằm phòng
ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu, sản xuất, kinh
doanh, buôn bán, tổ chức sử dụng “bóng cười”, “shisha”, “cỏ Mỹ”, “tem
giấy” trên địa bàn thành phố, nhằm lập lại kỷ cương trật tự xã hội, bảo
đảm cuộc sống bình yên của người dân.
Các ngành nội chính thành phố cần đẩy mạnh công tác điều tra, truy
tố, xét xử kịp thời, công khai, nghiêm minh một số vụ án nhập lậu, sản
xuất, kinh doanh, buôn bán, tổ chức sử dụng các chất gây nghiện trên
trên địa bàn thành phố để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
|
|