Bạn có bao giờ...

Bạn có bao giờ thắc mắc…?

( Lời bình : Phải chăng, một cách nổi loạn lương thiên của thế hệ 9X ? )

Bạn có bao giờ thắc mắc là mình đang ở giai đoạn nào của lịch sử không ?
Chúng ta thường chỉ định nghĩa lịch sử là những gì đã xảy ra trước thời gian mà chúng ta tồn tại, chúng ta gọi nó là quá khứ. Vì sao?

Vì quá khứ là những thứ đã chết đi, biến đi, hay chính xác là không thể tìm thấy ở thời điểm hiện tại. Vâng, chúng ta định nghĩa mọi thứ theo một khái niệm giúp nhân loại còn là chính mình, đó là thời gian! Thời gian với chúng ta, người bình thường là giây, phút, tháng, năm, với học giả thì là trăm năm, nghìn năm, với các nhà khảo cổ học thì là triệu năm, và với các phi hành gia thì con số này lên tới hàng trăm triệu, hàng nghìn tỉ năm. Vô tận.

Cũng giống như khi tiền bạc lạm phát, bạn bỗng dưng nhận ra rằng giá trị của chúng chỉ là gán ghép tạm thời. Đơn vị thời gian cũng thế, bạn chấp nhận khái niệm và dường như không thường nghĩ rằng, giá trị của nó chỉ là tạm thời để tính đến những phân khúc nhỏ nhất của vòng tròn hủy diệt- tái sinh- tồn tại.

THỜI-GIAN VÀ SỰ VẬN ĐỘNG

Thời gian, thực ra như một đường thẳng, hoặc là một đường tròn vô tận, mà chúng ta ở thời điểm hiện tại chỉ là một điểm trên đó, và theo định nghĩa toán học, trên một đoạn thẳng có giới hạn thì đã có vô số điểm, nhưng có thể nói không điểm nào trùng với điểm nào. Chúng chỉ được nhận thức vì chúng riêng biệt với vô số điểm khác. Và chúng ta chỉ nhận thức bản thân mình ở một bề mặt rất nguyên thủy, bằng cách so sánh điểm của chúng ta và các điểm khác có thể nhận thấy được. Chẳng hạn như Công Nguyên được xem là chuẩn mốc để phân định thời gian trước và sau nó, là giao ước phổ biến nhất của nhân loại hiện nay. Nhưng ngoài nó ra, còn vô số chuẩn mốc thời gian khác đã từng tồn tại trên trái đất này, lịch Maya hay Phật lịch chẳng hạn, Vậy có thể nói, những sự việc, sự kiện xảy ra trong các thời điểm (các điểm) khác nhau là vô kể. Chiến tranh đã luôn nổ ra từ bao giờ, không ngừng nghỉ. Vì mâu thuẫn cũng luôn tồn tại, chưa bao giờ biến mất. Bệnh dịch, những phát kiến, những thể chế chính trị, những phong trào văn hóa, v.v. đã liên tục nổ ra. Nhưng điều duy nhất mà chúng ta nhận biết được không chỉ là chúng nằm khác điểm nhau, mà còn là quy mô đang tăng dần của chúng.
                                                   
 Chiến tranh là một hình thức giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực, thể xác. Từ thời còn là khỉ, hay cá, hay kì đà, hay theo bất cứ giả thuyết tiến hóa nào, thì những sinh vật đó đã biết đánh nhau, đã biết giải quyết xung đột giữa các cá thể với nhau. Khi tiến hóa lên đến thời đồ đá, thì người nguyên thủy đã biết mài đá chặt cây để làm búa, rìu, các công cụ để tiêu diệt nhau. Thời đồ đồng rồi đồ sắt thì họ dùng vật liệu tốt hơn, chắc hơn và bén hơn, đa dạng hơn và chuyên sâu hơn. Họ có giáp sắt, rìu, búa, chùy, kiếm, cung, ná, nỏ , thương…và họ còn tìm ra cách để sử dụng chúng. Đến ngày nay, ngay cả những khẩu súng trường có khả năng bắn 2-3 cây số tới mục tiêu cũng không còn là lợi hại nhất nữa. Người ta công nhận rằng bom nguyên tử là vũ khí hủy diệt ghê gớm nhất, có khả năng làm nát trái đất trong vài phút. Mâu thuẫn, nó xảy ra bất cứ đâu, với bất cứ ai. Con heo rừng biết giương nanh. Con chó biết gầm gừ đe dọa con khác khi lãnh thổ hay quyền lợi bị xâm phạm. Con đầu đàn biết dùng sức mạnh để đàn áp con trong đàn.

Mâu thuẫn là nguyên nhân dẫn tới chiến tranh, nhưng không chỉ với nguyên nhân ban đầu ấy tạo nên chiến tranh. Ngày xưa mâu thuẫn ban đầu là về lãnh thổ kiếm ăn, về giành giật con cái trong đàn, về thứ bậc trong bầy…sau đó thì mâu thuẫn về danh dự, sự tự trọng, lòng tôn kính, quyền lợi theo một nghìn kiểu…bắt đầu diễn ra. Để giải quyết mâu thuẫn, ban đầu người ta giao cho trưởng đàn, hay gọi là tù trưởng, hay trưởng làng, một cá thể được xem là cao hơn các cá thể khác trong tập thể. Sau đó để giải quyết các mâu thuẫn ngày càng chi li, phức tạp, người ta thành triều đại, đế chế, nhà nước, lập ra các quan, các hội đồng, các bồi thẩm đoàn, quan tòa để giải quyết các mâu thuẫn, chưa kể lại có một nghìn kiểu quan tòa khác nhau. Và đỉnh điểm của mâu thuẫn nhân loại được gán cho cái tên gọi là chính trị. Trong đó các sự diệt trừ, tranh đấu, loại bỏ, không ngừng thay đổi, bởi thế người ta hay gọi nó là vũ đài chính trị. Nhưng nó rất khác so với dạng mâu thuẫn ban đầu là, người ta dù bất đồng nhưng khi chưa tới lúc thì vẫn bắt tay nhau chứ không đơn thuần đấu gan hay dùng tay chân để giải quyết, hoặc ở cường độ cao hơn và quy mô lớn hơn thì dùng bản thân trực tiếp với vũ khí, còn khi họ giải quyết mâu thuẫn chính trị thì có một triệu cách, thông qua nhiều tầng nấc mưu mẹo…

Các sự thay đổi về văn hóa, các cuộc cách mạng, đổi mới,...lại xét về thời nguyên thủy, lúc đó chẳng ai mặc đồ, sau thì lại dùng lá che, sau lại tìm ra vải, sau lại tìm ra đồ trang sức, xong lại biến hóa một triệu kiểu để ăn mặc. Ngày xưa có phong trào hippy, ăn vận không giống ai, ngày nay thì có một trăm nghìn kiểu hippy, ăn vận cũng chẳng ai giống nổi ai. Bao nhiêu là phong cách ăn mặc: rock, gothic, hiphop, công sở, bụi bặm, ở truồng…

Âm nhạc thì sơ khai là gỗ gõ vào gỗ, đá gõ vào đá, hay gỗ đá gõ vào nhau. Ngày nay thì đàn guitar, đàn guitar điện, trống, kèn, harmonica,…vô kể. Người ta lại còn cho ra nhạc điện tử, bỏ vào trong cái điện thoại cầm tay rồi chơi suốt ngày. Năm mà Edison tìm ra điện, người ta ngỡ ngàng rồi ngay sau đó nhân loại bước vào bước ngoặt to lớn của các phát kiến phát minh. Ngày mà người Nga khám phá ra vũ trụ, nhân loại sững sờ một cách không từ ngữ nào diễn tả được. Cho tới hôm nay, khi quân đội Mỹ phát minh ra con muỗi bằng máy có gắn camera, hay công ty Google chế ra cặp mắt kính có thể truy cập internet, thì nhân loại cũng ngạc nhiên, nhưng dường như không ngạc nhiên giống lần đầu thấy bóng đèn điện nữa. Vì mỗi cá nhân của thời đại ngày nay đã quá quen thuộc với những công nghệ cấp cao, đến nỗi dù họ không làm được, nhưng họ tưởng tượng được.

Thế giới ngày nay, so với ở thời điểm trước đó, đã phát triển nhanh một cách không thể tưởng tượng, đến chính nhân loại cũng không dự đoán nổi, và họ cũng chưa dừng phát triển. Họ không bao giờ từ bỏ niềm đam mê phát kiến, vì nó rất đáng khao khát, và nhân loại luôn bị thôi thúc liên hồi để đi lên, để luôn biến hiện tại thành quá khứ và mường tượng mình trong một tương lai mới hơn. Và họ cũng mường tượng đến lúc kết thúc cho chuỗi tiến hóa vô chừng này.

Vâng, sự thay đổi quy mô này chúng ta lí giải là tiến hóa. Các khoa học gia lí giải qua các thí nghiệm, tìm hiểu rằng do các ngoại cảnh thay đổi khiến cho sinh vật tiến hóa để thích nghi, và sự tiến hóa là không ngừng, tất cả các sinh vật dù là vi trùng hay khủng long thì cũng luôn tiến và hóa không ngừng. Nếu suy vào tầm vi mô, người ta thấy vi trùng, thấy tế bào, thấy nhân bào, thấy chúng di chuyển và thay đổi sau hàng triệu năm để lên một phiên bản ở hình thái khác. Nhưng người ta không giải thích thêm nữa, là vì sao chúng thay đổi. Vì người ta chưa thể đi thêm sâu hơn để tìm ra cái gì bên trong chúng, cái gì nhỏ hơn nguyên tử, hay cái gì to hơn vũ trụ này. Hạt “chết tiệt”, hay còn gọi là hạt “thượng đế” đang được trình làng và đang chờ thời gian xem xét. Một ý tưởng mà toán học có thể minh họa vô cùng tài tình, như đường thẳng không giao nhau dù chúng không song song.

Như hai đường thẳng giao nhau trên đây, bạn hay gọi nơi chúng gặp nhau là một góc của tam giác, nhưng thật ra không có tam giác nào trên giấy cả. Vì khoảng cách nhỏ nhất giữa 2 đường thẳng mà bạn thấy được là 0.001 mm, và khi chúng càng gần thì khoảng cách đó càng nhỏ hơn nên vượt qua khả năng thấy của mắt, và nó cứ cộng thêm các con số không, sau dấu phẩy đến vô cùng. Cũng như đầu kia của 2 đường thẳng, nếu cứ kéo dài chúng mãi thì khoảng cách giữa chúng cũng bằng chiều dài vũ trụ, mà vũ trụ thì mênh mông vô tưởng. Sự vô cực của thời gian cũng có thể giải thích bằng một hình vẽ toán học

Các hình vuông trên đường tròn biểu thị các điểm, chúng có thể được xem như chạm nhau, nhưng khoảng cách giữa chúng là vô tận, điều duy nhất chúng ta thấy được là chúng không trùng nhau. Vậy nên, nhân loại không muốn dừng vì biết rằng không có giới hạn nào cả, họ chỉ tò mò, mong muốn được tiến xa hơn, so sánh với thực trạng hiện tại mà thôi. Và cũng vì đó, những kiến thức hiện tại không bao giờ là tuyệt đối, tương lai luôn mò mẫm và thay đổi từng chút từng chút, đó là cách mà chúng ta, cũng như toàn thể sinh vật sống, tiến hóa.

Chúng ta tiến hóa, thay đổi từ trong tư duy cho tới hình thể, tính chất, sức đề kháng, khả năng, và sự thay đổi này không bao giờ dừng, cũng như toàn thể các sinh vật khác. Sự thay đổi này có thể nói, không chỉ ở định nghĩa là tiến hóa, mà là thay đổi để thích nghi trong bị động với môi trường sống xung quanh, có những chủng loài chết đi, tuyệt chủng vì chúng không thích nghi được môi trường nữa, nhưng có những loài khác lại sinh ra với môi trường mới đó, và sự đa dạng về sinh học cũng như sinh thái không bao giờ dừng lại. Có thể nói, chúng ta hiện giờ là sinh vật có sức ảnh hưởng lớn nhất tới quả đất, nhưng quãng thời gian mà chúng ta
tồn tại là quá ngắn so với các vật thể sống khác từng tồn tại, vậy nên chúng ta hiện thời chỉ là một sinh vật có khả năng thích nghi với hiện trạng của môi trường hiện tại. Và cũng có thể nói là, môi trường chưa bao giờ ngừng cái tính chất khắc nghiệt của nó với thân thể của loài người.

Các vi khuẩn, vi trùng, các thiên tai, thảm họa, các cuộc chiến tự hủy hoại lẫn nhau, sự phân bố không đồng đều về mô hình kinh tế cũng như chính quyền mà chúng ta tự tạo ra…vâng, và rồi một khi nào đó chúng ta cũng sẽ trở thành quá khứ, cũng như vô số khác vật thể sống dạng khác. Và sau chúng ta, dù chưa thể nói là khi nào, cũng sẽ lại có những vật thể sống dạng khác được sinh ra và tồn tại. Có vẻ như đó là một vòng tròn không bao giờ chấm dứt. Bạn có thể mường tượng được không?

Với lí thuyết của Adam Smith về mô hình hoạt động của thị trường, luôn có sự tự động điều chỉnh về cung cầu, gọi là “bàn tay vô hình”, “the invisible hand” sẽ tạo lực để cân bằng cung và cầu. Có vẻ như với sự sống mà chúng ta ý thức cũng vậy.

Vạn vật, thay đổi và chuyển hóa không ngừng, tuy nhiên tại theo một quy luật vĩ đại về sự sống, tiến hóa, và cái chết. Sự hoán chuyển liên hồi này xảy ra như sự nhấp nhô của mặt nước giữa biển khơi, như sự bùng nổ của núi lửa, uyển chuyển như dung nham, vô hình như gió thổi và dữ dội ở mọi lúc, và một điều là nó rất hoàn hảo. Liệu có thể có lời giải thích nào cụ thể hơn cho toàn bộ cái vấn đề này không?

NĂNG LƯỢNG            

Có thể bạn thấy lời giải thích này phi lí, không liên quan, nhưng cũng có thể bạn mường tượng ra được một cái gì đó. Một quy luật vô hình vận động không ngừng, hay là các dòng năng lượng tương tác liên hồi. Bạn có thể cảm được năng lượng ở khắp nơi. Vào bình minh, khi mặt trời ló tia nắng đầu tiên, đó là năng lượng. Bạn thức dậy, bật đèn vào nhà tắm, đó là năng lượng, điện. Bạn cầm ống tuýp kem đánh răng lên, bóp nó, bạn dùng năng lượng. Sau đó bạn xả nước, bạn cảm thấy nước chảy trên tay mình, khi bạn vặn vòi sen mạnh lên, bạn cảm thấy từng tia nước trên da thịt mình, đó là năng lượng. Bạn bật bếp ga lên nấu ăn, lửa lại cũng là năng lượng. Tất cả những thứ hàng ngày mà bạn sống, đều có năng lượng.

Quang, điện, nhiệt. Những lực được sản sinh ra từ những hành động của bạn cũng là một dạng năng lượng. Chúng vô số, nằm ở bất cứ đâu, và không ngừng tương tác lẫn nhau, đan xen nhau trong không khí, trong một chiếc xe hơi, thậm chí ngay trong từng bộ phận trên cơ thể bạn. Quả đất đã quay quanh mặt trời biết bao lâu, mặt trời chưa ngừng bùng nổ hay sôi ùng ục từ khi chúng ta chưa có năm chi. Mọi thứ xung quanh bạn là năng lượng.

Cuộc đời của chúng ta có thể được tóm gọn trong trung bình là 70 năm, trong quãng đời đó, chúng ta chưa bao giờ dừng vận động. Sau khi chúng ta chết đi, thân thể mục rữa, về lại với đất, hòa vào không khí, tan biến đi vào môi trường xung quanh, chúng ta không còn tỏa ra năng lượng nữa ? Không, chỉ có cơ thể chúng ta là không còn năng lượng nữa. Nhưng xác thịt chúng ta sau quá trình mục rữa chúng lại tỏa ra năng lượng, nuôi sống vi khuẩn, hòa vào đất, nuôi sống thực vật.

Vậy còn “chúng ta” đi đâu?

Hãy khoan trả lời về cái nơi mà chúng ta đến sau khi chết đi. Hãy nói rõ   hơn về năng lượng và định dạng của nó.

Có năng lượng bạn thấy được, như lửa là một ví dụ, nước, ánh sáng, hay một vụ nổ cũng vậy. Và những năng lượng chúng ta không thấy được là gió, là lực, là phản ứng hạt nhân diễn ra trong không khí,…Và có những năng lượng chúng ta ý thức được nhưng chúng ta không biết tới. Hãy tưởng tượng khi bạn bước vào một đám tang, bạn có cảm thấy sự u buồn đau thương trong không khí không? “atmostphere”. Hay khi bước vào một quán bar có nhạc đùng đùng, bạn có cảm thấy sự hào hứng trong người không? Một cuộc biểu tình, một trận chiến, một trận đá banh,…hãy nói dù là bạn không quan tâm đến chủ đề cụ thể, nhưng chắc chắn bạn phải CẢM được một cái gì đó. Có nhiều thứ khác mà một người có thể cảm nhận, nhưng không thể giải thích được bằng việc Andrenaline được truyền lên não (một loại hormone có tác dụng kích thích máu lên não, khi bạn phấn khích, căng thẳng, ham muốn, sợ hãi….). Vâng, người ta chỉ giải thích ở mức vi mô là andrenaline, nhưng người ta không nói là cái gì và cái gì và một nghìn cái gì giúp andrenaline được kích thích. Không ai truy được tận nguồn của bất cứ cái gì. Người ta chỉ có thể hiểu, may lắm, là nó vận hành ra sao. Có người giải thích là các dạng sóng mà con người phát ra, cũng như một radio hay một điện thoại di động, chúng cũng là một dạng của năng lượng. Điều này hoàn toàn có lí, con dơi hay con cá heo cũng đều phát sóng được, và con người cũng có thể phát sóng và bắt sóng của nhau. Hay nói cách khác, con người cũng chứa một dạng năng lượng. Nhiệt lượng mà mỗi thân người tỏa ra là một ví dụ sơ đẳng

Nếu bạn có tìm hiểu võ thuật, hẳn bạn cũng nghe về khả năng siêu nhiên mà con con người có thể đạt tới. Dùng tai, dùng mắt kéo xe tải, quật ngã bò, giáo đâm không thủng yết hầu, sát khí…xin nhắc lại rằng, sóng là một thể của năng lượng. Người ta tìm ra rất nhiều phương pháp mà con người có thể phát huy những thứ họ thường không thể. Trong truyện kiếm hiệp Tàu thường nhắc tới sát khí, chỉ những cao thủ võ lâm mới có thể tỏa ra và cảm được sát khí. Nói đơn giản hơn, giả như có kẻ muốn giết bạn, hắn cầm dao và đứng ngay trước bạn, đôi mắt hắn long lên, mặt hắn đanh lại, bạn hẳn sẽ biết ngay kẻ này muốn giết mình. Nếu tôi hay một người khác chỉ muốn trêu bạn, cũng làm tương tự, liệu bạn có sợ không? Có thể có, cũng có thể không, vậy thì việc biểu diễn trên khuôn mặt cũng như hành động không nhất thiết mang lại sự cảnh giác của bạn, mà là một dạng sóng bạn cảm nhận được, hay trong kiếm hiệp người ta gọi là “khí”, “Qi’, “Ki”. Chính là năng lượng mà bạn cảm nhận được. Chuyện cao thủ “bắt sóng” tốt hơn là không phải không có, chuyện người “tỏa sóng” nhiều hơn cũng hoàn toàn khả thi, đơn giản đúng không? Tôi cũng có thể giết chết con muỗi hay ruồi mà không cần làm khuôn mặt ghê tợn, hay như những tên giết người hàng loạt mà bạn thấy trên phim cũng không cần làm khuôn mặt ghê tợn, những pháo binh trên chiến trường cũng chỉ nhăn mặt vì tiếng pháo quá lớn, hay phi công thả bom thì hoàn toàn bình thản khi giết hàng trăm người bên dưới. Chỉ cần bạn không quá lạm dụng các giác quan bình thường của mình, bằng việc sống không cân bằng, thì bạn cũng sẽ cảm được cái “sóng” hay cũng như “khí” của họ, đừng nói là khi bạn mài dũa các giác quan đến mức sắt bén.

Bây giờ hãy tưởng tượng khi bạn vừa sinh ra, hay cái cách bạn được sinh ra, hãy tưởng tượng đó là sự kết hợp của nhiều nguồn năng lượng. Tinh trùng và trứng chỉ là hình thể, thức ăn mà bạn hấp thụ, không khí mà bạn thở, ánh sáng mà bạn đón nhận là những dạng năng lượng, và vô số năng lượng khác mà chúng ta ít nghĩ tới, như trọng lực, đó là lí do vì sao người ta phải mặc một khối đồ phức tạp mới bước ra khỏi trái đất được. BẠN và CƠ THỂ bạn là một tổng hợp của vô số những nguồn năng lượng, chúng kết hợp nhau tạm thời, vô chừng trên quỹ thời gian, và sau đó tan ra, rồi lại gộp lại dưới những thể khác, vạn vật là thế. Biến đổi không ngừng, tan ra và hợp lại, tạo nên chu kì vô tận của sự sống và cái chết.

Sự tan hợp này tồn tại trong bất cứ dạng sống nào, bất cứ môi trường nào, vi mô đến vĩ mô. Từ đôi giầy bạn đang mang bị mòn dần, cho đến quả đất này đang nóng lên, cho đến vũ trụ mà chúng ta biết. Chúng luôn đang ở trong một giai đoạn nào đó của chu kì đó, vụ nổ Big Bang có thể là một ví dụ. Những hành tinh, vụ nổ, những mảnh thiên thạch, hay những lục địa không ngừng dịch chuyển, tách rời rồi gộp lại. Nhưng đến thời điểm nào thì chúng sẽ bắt đầu một trong những giai đoạn của chu kì đó? Và vì sao?

Một miếng bao ni lông được cho là gây ô nhiễm môi trường vì chúng không phân hủy, vì thời gian chúng phân hủy tính bằng trăm năm, triệu năm. Triệu năm được xem là vô tận với loài người, vì chúng ta kết hợp các dòng năng lượng để tạo ra nó, bằng kiến thức của chúng ta, và THỜI GIAN CHÚNG TỒN TẠI DÀI HƠN THỜI GIAN CHÚNG TA TỒN TẠI, hay chu kì của chúng tình cờ dài hơn chu kì của chúng ta. Không có gì tồn tại vĩnh cữu cả. Chỉ là tình cờ chúng sẽ kết thúc ở một điểm khác trên đường tròn thời gian thôi.

Và chúng ta chỉ mới đề cập được những vật thể nhìn thấy, còn những dạng thể mà chúng ta không thể nhìn thấy thì sao? Những dòng năng lượng kết hợp nhau liên hồi, tan vỡ liên hồi mà chúng ta không ý thức được thì sao? Thiên tai, thảm họa, những tư tưởng, cách mạng văn hóa,…bạn hãy tưởng tượng tâm trí nhân loại, não bộ hay linh hồn, hay bất cứ cái gì đại diện cho con người tách rời thể xác cũng là một dạng năng lượng? chúng ta là năng lượng, và chúng ta phát ra năng lượng khi tương tác, dịch chuyển, và sống. Não bộ và tư duy mà chúng ta có, là hệ quả của vô số những luồng năng lượng tương tác lẫn nhau xuyên suốt quỹ thời gian vô tận. Đó chính là chìa khóa của tiến hóa.

Giả như nếu không có Edison, thì chẳng có gì hơn của ngày hôm nay, không máy tính, không điện thoại, không tàu vũ trụ và không của một triệu thứ khác. Và giả như không có những vua những chúa trước Edison, không có những nền văn minh tồn tại rồi diệt vong thì cũng chẳng có Edison. Chúng ta ngày nay, ngày xưa, hay ngày mai là kết quả vô hình của những luồng năng lượng tương tác. Điều khác biệt là sự tương tác dường như ngày càng nhanh hơn, mạnh hơn. Mất bao lâu để tổ tiên chúng ta có hình dạng của người tiền sử ? mất bao lâu để từ thời đồ đá chuyển lên đồ đồng? rồi bao lâu lên đồ sắt ? rồi bao lâu lên thời ngày nay ? Hàng triệu năm, rồi hàng chục nghìn, rồi hàng nghìn, rồi hàng năm, rồi hàng giây. Hãy xem từ năm 1900 đến năm 2000 có khác biệt gì? Hãy xem từ năm 2000 đến nay có khác biệt gì? Năm 2000 với tôi chiếc máy tính là điều lạ lẫm, năm 2010 thì chiếc điện thoại có chức năng hơn chiếc máy tính năm 2000 đã là quá bình thường. Và tới hôm nay, năm 2012, thì chiếc điện thoại hôm qua vừa được ra mắt đã là quá khứ với các nhà sáng chế, họ dĩ nhiên đang bắt tay vào chế sản phẩm mới, chuyện kéo dài là chuyện quảng cáo và tiền nong của các doanh nghiệp. Ngay khi một cái gì đó được sinh ra là lúc nó bắt đầu giai đoạn phá hủy, nghĩa đen cũng như nghĩa bóng.

Dưới góc độ hoàn toàn khoa học, vụ nổ hạt nhân diễn ra khi các phân tử tương tác, và bắt đầu di chuyển nhanh dần, nhanh cho đến một mức nào đó rồi nó tạo ra vụ nổ. Như bạn đã biết , không nguyên tử hay phân tử nào đứng yên, chúng luôn hoạt động, bạn cũng vậy. Và bạn cũng tương tác, rồi sự tương tác nhanh dần, mạnh dần, mạnh dần. Một lần nữa, nghĩa đen cũng như nghĩa bóng, có vẻ như mọi thứ ở đây không phân biệt đen hay bóng.

Chiến tranh đã được nhắc đến ở trên là một ví dụ. Sự tương tác mạnh dần, nhưng đến mức hủy diệt thì chưa, vì người ta cố ngăn nó lại. Nhưng mâu thuẫn thì quy mô tăng dần. Chiến tranh thế giới thứ nhất, rồi thứ hai, người ta chỉ mong sao cho đừng xảy ra cái thứ ba. Đã từng có người nói rằng, “tôi không biết người ta sẽ dùng cái gì để đánh nhau trong chiến tranh thế giới thứ 3, nhưng chắc chắc là chiến tranh thế giới thứ 4 sẽ chỉ là sỏi đá gậy gộc mà thôi.”

Cũng như Einstein, Edison, Newton, hay Kant, Các Mác, và vô số các vĩ nhân khác, họ có thể sinh ra là một trang giấy trắng, nhưng họ không bao giờ bắt đầu là trang giấy trắng, nếu không có những luồng tư tưởng, những thầy bói, những tiên tri, nếu không có những cá nhân được xem là điên rồ, hay những hiện tượng diễn ra, thì các vĩ nhân này sẽ chẳng có chữ “vĩ” nữa. Và nếu không có họ, thì không có Steve Job, Bill Gates, Osho, …và có thể cũng chẳng có chúng ta. Nhưng không có nghĩa là họ tạo nên chúng ta, vì không có chúng ta thì họ cũng chẳng tồn tại, một lần nữa, thời gian được định nghĩa là vòng tròn vô tận, không có trước và cũng không có sau, chúng ta là di sản của tất cả nhân loại đã tồn tại vào một thời gian khác. Và chúng ta, bằng việc đang sống và tồn tại, đã và đang tạo nên những di sản cho những điểm thời gian kế tiếp, cũng như đang thúc đẩy nhanh hơn quá trình tương tác của năng lượng. Dĩ nhiên sẽ đến thời điểm chúng ta và thế giới mà chúng ta biết, sẽ vỡ tan, từ cá nhân cho đến nhân loại. Nhưng bạn ơi, đó chỉ là một điểm kết thúc vô chừng của vô số thứ mà cũng là sự bắt đầu cho vô số thức khác. Nó đang diễn ra ngay lúc này, những vòng tròn to nhỏ vô tận, vô số chúng và đan xen lẫn nhau, trải dài xuyên suốt.

Và chính chúng ta, là nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ. Quyền lực của chúng ta vô cùng nhỏ, cũng như vô cùng lớn, thân phận chúng ta cũng vậy. Chúng chính là vũ trụ, là chủ của vô số sinh vật, chu kì, của vô số những luồng năng lượng, mặt khác chúng ta cũng chỉ lệ thuộc vào các vòng tròn chu kì lớn hơn đến cùng cực. Và chúng ta kết nối lẫn nhau để thực hiện các chu kì ấy, dù bạn là ai, ở đâu, bất kể nghề nghiệp, quốc gia, bất kể quan điểm chính trị và niềm tin, bất kể ở ngân hà nào, chịu ảnh hưởng của hệ mặt trời nào thì chúng ta cũng đang góp phần vào một trong các giai đoạn của chu kì ấy. Chúng ta đan xen nhau, bản thân như là một luồng năng lượng, đón nhận, phân phối, bồi đắp các luồng năng lượng ấy theo nhiều kiểu khác nhau để hoàn thành chu kì đó.

Khi chúng ta thở, thế giới này rục rịch. Khi chúng ta bước đi, thế giới này chuyển động. Khi chúng ta đau buồn, giận dữ, vui mừng, khi chúng ta có hay không có lí tưởng, có hay không có đấu tranh, có hay không có tôn giáo,…bất kể, thì chúng ta cũng đều thuộc về những vòng tròn ấy, tạo một lực đẩy, cùng làm cho chu kì này xoay tròn và vận động, không có lí gì ngăn được nó. Và linh hồn có tồn tại đấy. Và cái “tôi” mà chúng ta tự gọi không bao giờ tan biến, cái tôi đó nằm trên từng hạt bụi của tương lai và quá khứ.

Ở hình này, mỗi mũi tên được ví như một năng lượng, hay sự tương tác mà một cá thể tác động lên một cá thể khác, nó được tăng lên theo cấp số lũy thừa, ngày càng nhiều hơn, mạnh hơn, và nhanh hơn. Với ví dụ về nhiều cá thể, nó sẽ tương tác xéo nhau, đi và về, mỗi lần chuyển hướng lại được cộng hưởng. Chúng ta được tạo nên bởi những luồng năng lượng này, và đã và đang vẫn tiếp tục cộng hưởng tương tác năng lượng không ngừng. Với mỗi đường thẳng được xem là một cá thể, luồng năng lượng nó nhận được là vô kể, và khi nó phát ra lại hơn cả khi nó nhận được, không có bắt đầu, cũng không có kết thúc. Sự tương tác này nếu được diễn tả thực bằng mũi tên thì nó sẽ đen nghịt cả màn hình.

Luôn có những sự nổ khi những năng lượng được tích tụ đến mức nào đó, diễn ra từ quy mô lớn đến nhỏ. Hãy gọi trái đất và sự tồn tại của nhân loại là quy mô chuẩn để đơn giản hóa vấn đề.Chiến tranh là sự nổ của các tương tác năng lượng, năng lượng ở đây được hiểu là các mâu thuẫn, mâu thuẫn xuất phát từ các cá thể hay các tập thể, khi họ bất đồng quan điểm, họ tỏa ra năng lượng, năng lượng của các bên bất đồng gom lại thành mâu thuẫn, và bản thân mâu thuẫn là một khối năng lượng vô hình, đến khi nó được chất đầy đủ thì nó bùng nổ, năng lượng được hiểu ở dạng mâu thuẫn không biến mất đi, mà nó sinh ra chiến tranh, một dạng năng lượng khác, chiến tranh được diễn xuất bằng vũ khí, hội đàm hội nghị, xảy ra biểu tình, một dạng năng lượng được tích tụ từ các cá nhân bất đồng với các cá nhân khác, khi chiến tranh kết thúc, năng lượng của chiến tranh tan đi, dẫn đến những hệ quả của nó, chẳng hạn như chính sách, xây dựng, đàm phán, tái thiết, đồng minh, trừng phat….và hàng vô số các năng lượng lại được sinh ra, chu kì không có bắt đầu cũng như kết thúc. 70 năm được xem là quãng đời và thời gian tồn tại của một người, một dạng năng lượng, 10 năm có thể là quãng tồn tại của một cuộc chiến. Và hàng tỉ năm có thể là quãng tồn tại của quy mô chuẩn, trái đất và chúng ta. Vậy nên sự gom-tích-tan-gom này xảy ra từ cái nhỏ vô cực đến cái lớn vô cực. Chúng ta không biết mình ở đâu của cái gì và vào khi nào.

Năng lượng sinh ra năng lượng, không có giới hạn. Khi bạn mang giầy vào, bạn đi thì đôi giầy mòn dần, tan ra từ từ để được tích hợp thành một dạng mới, khi bạn đi làm, cái bạn sản xuất ra dù là dịch vụ hay hàng hóa, thì nó cũng là một dạng năng lượng, bạn tạo ra chúng bằng cách tích hợp nhiều năng lượng khác nhau. Một bao thuốc gồm lá, đầu lọc, giấy, bao bì, chúng được tạo từ cây, từ nhựa, một dạng năng lượng đã được tích hợp khác, rồi khi bạn bán chúng đi, bạn phải có người điều hành chuyện phân phối, người đó cũng như toàn thể nhân viên của công ty là tập hợp của năng lượng, cũng như cơ sở vật chất hay thiết bị được sử dụng cũng là dạng tích hợp của năng lượng…tất cả. Khi công ty thuốc lá phá sản, tan biến đi, thì đó là vụ nổ, khi người ta thất nghiệp, đó cũng là vụ nổ, khi điếu thuốc được đốt cháy, đó lại là vụ nổ. Và công ty thuốc lá mất đi, thì lại tạo cơ hội cho những thứ khác trồi lên, cụ thể như một công ty khác, hay một ai khác sử dụng cơ sở vật chất vào việc khác…năng lượng không được phân định là gì cả, chúng chỉ chảy những hướng khác nhau, và có vô số hướng cũng như vô số nguồn, nhưng điểm chung là chúng luôn tồn tại.

Ví dụ về sự cộng hưởng của năng lượng. Giả như có người A và người B là vận động viên thể thao ở hai môn khác nhau. Người A khuyến khích người B, và anh ta thật sự nghĩ rằng người B có khả năng thể hiện tốt hơn, người A đang toát ra năng lượng về phía người B, người B đón nhận và tin vào người A, sau đó anh ta tin rằng mình có thể làm tốt hơn và cố gắng hơn. Sau đó, người B lại động viên người A về lĩnh vực của anh ta, thì sự tự tin cũng như lời nói của người B đã mang nhiều năng lượng hơn trước vì nó cộng hưởng với năng lượng của người A truyền đi, vậy nên người A lại nhận lại nhiều hơn khi anh ta phát đi. Việc cộng hưởng này diễn ra dưới mọi hình thức và đan xen vô số. Đó là lí do số đông thường mang sức mạnh vô hình rất lớn mà chúng ta thường hay thấy bản thân mình bị cuốn theo. Những bế tắc cụ thể mà một người hay một chủng tộc đối mặt là do sự biến đổi của năng lượng xảy ra dẫn đến những biến đổi môi trường không phù hợp với thể tồn tại của họ, đe dọa sự hiện diện ngay lúc đó, ngay tại đó, cho nên luôn có một mức kiềm hãm vô hình, giống như quả bóng phải căng đến hết mức rồi mới nổ. Và sự kiềm hãm đó cũng là một dạng năng lượng. Chúng không mang tính đối chọi nhau, nhưng chúng chỉ tình cờ khác hướng nhau, có thể lí giải như cực âm dương, cũng giống như sự tái sinh và hủy diệt, cực đại của cực âm dẫn tới khởi nguồn cho cực dương và ngược lại. Chỉ khác là lí thuyết này được áp dụng trong vô số chiều, bao lồng lẫn nhau. Cũng như loài người, ban đầu họ khai thác tài nguyên, phá rừng, giết thú vật để sống, sau khi sống và tồn tại chán chê rồi thì họ lại quay ra nâng niu thiên nhiên, bảo tồn động thực vật. Khi người ta chán chiến tranh thì người ta phản đối nó, cầu hòa bình, và ngược lại. Ở bất cứ chu kì nào, dù to hay nhỏ, dù ở giai đoạn nào thì luôn có nhiều dòng năng lượng đối nghịch nhau, vì cơ bản chúng tỏa đi vô số hướng , sẽ có lúc một hướng mạnh hơn các hướng còn lại, nhưng chúng không bao giờ trở thành tuyệt đối vì luôn có những dòng đối nghịch đó, chờ đợi và vận động để tương tác mạnh hơn.

TÔN GIÁO

Từ đó mà ra các trào lưu tư tưởng, và đặc biệt là tôn giáo là một ví dụ rất điển hình. Nếu bạn là người ngoại đạo, nghe Chúa hay Ala hay Phật rất phi lí. Nhưng nếu phi lí thì tại sao nó lại tồn tại qua hàng nghìn năm? Tại sao lại có người theo trên khắp các châu lục? Người ta cơ bản cũng là một sinh vật, mà sinh vật thì phải sinh tồn, và muốn sinh tồn thì phải có sự cạnh tranh. Khi loài người tiến hóa lên, sự cạnh tranh nội bộ loài dữ dội hơn, nếu sự cạnh tranh này phát triển cùng dân số thì chính nó kiềm hãm dân số lại. Người càng đông thì quân đội càng mạnh, cái giết choc càng hiệu quả, và mâu thuẫn không bao giờ dừng. Cho nên, vốn là một trong những vô số đối nghịch của chu kì, con người phải tìm cách tồn tại hiệu quả hơn, họ phải tạo ra sức kiềm cho chu kì diệt vong của chính họ, và sức kiềm này cũng chính là lí do mà chu kì này tồn tại. Quả bóng, lốp xe, hay vạn vật trước khi tan rã chúng đều có sức kiềm riêng, sự đan chùm chặt chẽ của các phân tử. Sức kiềm của loài người cũng chính là sự tiến hóa của họ, sự đan xen của vô số, năng lượng gộp bằng năng lượng, tương tác đến tận cùng. Trong cái nhỏ có cái to và ngược lại, một người thuộc một đám đông, một đám đông lại là một của một đám đông lớn hơn…sự tiến hóa đưa tới các mô hình sống ngày nay, và đưa tới tôn giáo, hay các đạo lí sống cho phù hợp với hoạt cảnh đang thay đổi hàng ngày. Ai theo tôn giáo nào, thì tin rằng người tạo ra quả đất là người mà họ thờ cúng. Hàng trăm triệu người tin rằng Jesus tạo ra thế giới, hàng trăm triệu khác lại nói là Ala, cho dù khai nguyên thì 2 tôn giáo lớn này cùng xuất xứ, nhưng cái tin trong lòng mỗi con chiên lại cho rằng khác. Vậy còn hàng trăm tôn giáo lớn nhỏ khác thì sao? Họ cũng có cách định nghĩa riêng về thế giới, và họ cũng tồn tại vậy ? Cho nên không thể nói ai đúng ai sai. Có người chấp nhận tất cả, và niềm tin của họ dường như mơ hồ, là chung chung.

Nhưng chắc chắn có một điểm chung là, mọi tôn giáo, mọi đạo từ xưa tới nay đều tôn thờ một đấng nào đó quyền năng hơn con người. Và họ có hàng nghìn cách để thi lễ, cầu nguyện, cúng điếu, thiền định, thậm chí là tình dục (tôn giáo ngày xưa) và có khi chỉ là ý nghĩ trong đầu, để với tới chúa trời của họ. Nhà Phật bảo khi thiền thì gạt bỏ hết tà niệm, để đầu óc trống rỗng, người đạo Chúa hay Hồi thì cầu nguyện về Chúa của họ, học thuộc kinh thánh và khấn cầu bằng lời hay chỉ bằng ý nghĩ, còn chức năng tình dục được nhắc tới trong tiểu thuyết của Dan Brown, tu viện Sion trong cuốn Biểu Tượng Thất Truyền lại có vai trò thiêng liêng cho thấy là sau lúc cực khoái, con người có đầu óc trống rỗng. Vậy mục đích chung , là gạt bỏ đi hầu hết những ý nghĩ của đời thường. Bạn khi cầu nguyện hay đọc kinh thì không nghĩ tới “mình” nữa. Gạt bỏ cái tôi, cái hiện diện của mình mà vận động vào cái hư vô. Và khi không còn cầu nguyện hay đọc kinh nữa, thì họ vẫn giữ trong mình một cái gọi là niềm tin, và luôn hiện diện một quyền năng đáng kính trong họ. Quyền năng đó có thể là các vị thánh, chúa trời khác nhau, cũng có thể là một kí ức về khoảnh khắc vô thường vô hữu mà họ đạt tới. Một cái gì đó nhắc họ rằng, đừng lúc nào cũng chỉ quoanh quẩn những thứ mà họ thấy, có tồn tại những thứ huyền diệu hơn.

Và dĩ nhiên mỗi tôn giáo cũng đều định nghĩa cái chết của loài người, họ đều cố dùng từ ngữ, giai thoại để mô tả đến nơi chốn mà chúng ta sau khi chết sẽ đi. Hãy cùng nói về vấn đề này.

Có người tin rằng Chúa trời của họ tạo ra thế giới này, nên khi họ chết sẽ về bên ngài, linh hồn của họ thuộc về Ngài và cũng như sự tồn tại của họ là do Ngài ban cho. Có người lại tin vào kiếp sau, linh hồn họ sau khi thoát xác sẽ chờ đầu thai, và chuyện họ có bao nhiêu kiếp thì tùy, và sau khi hết chừng đó kiếp thì lại còn ra sao nữa có lẽ cũng còn rất mơ hồ. Người ta cũng hay bảo kiếp này làm người , kiếp sau làm cái khác không phải người. Và cũng có lí thuyết về luật nhân quả, hay cái tội mà con người vừa sinh ra đã có. Nói chung lại, là dù khi sinh ra hay chết đi, họ đều tin rằng cái bắt đầu của họ không phải là cái đầu tiên, và cái kết thúc của họ là sự sẵn sàng cho một bắt đầu mới. Và những cái bắt đầu-kết thúc này không riêng rẽ tách biệt với nhau. Có người sinh ra đã tật nguyền, có người sung sướng, có người khổ, có người chỉ có nửa bộ não, có người giỏi cái này lại đặc biệt dở cái khác….sự đa dạng của hình thức tồn tại của chúng ta, khiến chúng ta nghĩ rằng chỉ cuộc đời này thôi, thì không lí giải nổi. Vâng, ngay cả khi người ta sản xuất hàng loạt cái bật lửa ga, dù là cùng kiểu dáng cùng màu sắc và nguyên lí hoạt động, nhưng sẽ có cái cho lửa cao hơn, có cái cho lửa thấp hơn, hay xét đến độ cấu thành của nó, mô hình liên kết giữa khác phân tử không bao giờ giống nhau được. Những đặc tính mà người ta có thể lí giải được họ gọi là di truyền, ADN, gene, hay gọi dân dã là cái nằm trong máu. Rồi người ta lại phân tích gen lặn gen trội, gen biến dị,…rất nhiều loại gen và chịu ảnh hưởng của rất nhiều thứ. Nhưng có những trường hợp như người vừa bị sét đánh xong thì nói thông thạo 3-4 thứ tiếng mà trước đó anh ta hoàn toàn không ý thức gì, hay có người cầm cái muỗng sắt lên nhìn một hồi thì cái muỗng bị cong. Hay chuyện cô bé có khả năng đốt cháy đồ vật xung quanh ở Việt Nam, các nhà khoa học, học giả lập hội nghị bàn bạc rồi kết luận là cô bé phát ra năng lực gì đó. Người ta, lại một lần nữa, chỉ có thể đến mức lấy mẫu máu, mẫu ADN rồi đem soi mói, phát hiện được vài khác biệt và coi đó là nguyên nhân, còn lại họ trầm trồ dẫn nhập về sự kì diệu của thiên nhiên. Chúng ta chịu sự tương tác vô hình mà chúng ta cũng phần nào ý thức được. Nhân quả, sự trừng phạt, gieo gió gặt bão, sự ngoan đạo,….chúng đều có ý nghĩa với mỗi người chúng ta. Và ngoài sự tồn tại của chúng ta và những sinh vật mà chúng ta biết, còn những thể tồn tại khác mà chúng ta hoài nghi. Ma, quỷ đã được tin vào từ mọi thời đại, bất kể ở đâu. Khoa học họ nhảy vào, hết mình nghiên cứu để rồi cũng chỉ đưa được ra một kết luận mơ hồ, có lúc có, khi lại không. Có những hiện tượng mà họ không giải thích nổi nữa, như người tìm mộ, người bị nhập, người nói chuyện được với cõi âm,…những thứ mà chúng ta hoài nghi đến cực độ và không giải thích nổi.

SỨC MẠNH SIÊU NHIÊN
– TẬP TRUNG NĂNG LƯỢNG

Ngày xưa, vì người ta không giải thích được mưa, nắng, sấm chớp nên họ lập đàn lập đền thờ cúng các vị thần mang tên thiên nhiên ấy. Họ còn gọi chiếc xe hơi đầu tiên là con quái vật và người ngồi trong xe đã bị quái vật ăn mất. Người ta gọi vua David đánh bại tên khổng lồ có sức mạnh vô hình, nhưng sau mới biết rằng người khổng lồ quá thì có trục trặc về thăng bằng. Người ta còn thờ thần Mặt Trời trước khi biết nó là một nồi phản ứng hóa học khổng lồ cách trái đất hàng tỉ tỉ cây số. Vâng, những gì chúng ta không giải thích được, nếu nó tốt cho chúng ta thì gọi là thần thánh, nếu nó xấu thì gọi là ma quỷ. Khoa học đã giải thích được rất nhiều, nhưng với thế giới vô tận này, họ càng đi sâu thì nó càng mở ra thêm và càng phức tạp. Bạn mổ con cá ra thì thấy ruột gan xương thịt của nó, sau đó bạn bốc từng bộ phận ra để xem xét, rồi bạn lại dùng kính hiển vi để soi vào bộ phận của nó, bạn thấy vi trùng, tế bào, mô,….của nó, bạn lại dùng kính phóng to hơn, vi trùng, tế bào, mô lại được cấu thành bằng những thứ khác….và nó đã không còn là con cá ban đầu nữa, nó trở thành một vũ trụ vô hồi kết đối với bạn, và rồi bạn bỗng dưng thắc mắc về mọi thứ khác, dĩ nhiên mọi thứ khác cũng vậy, cũng vô hồi. Bạn có bao giờ nghe tới sức mạnh vô hình của con người chưa? Có thể bạn đã thấy thể lực phi thường của nhân loại, nhưng đó chỉ là biểu hiện ở dạng thấy được. Nếu giờ bạn bước vào một ngôi chùa, hay một nhà thờ và bạn buông lời xúc phạm họ, thì cho dù không ai đánh bạn chết thì bạn cũng tự nhiên gặp một mớ rắc rối. Ta chưa kết luận đây là phạm vi tâm linh. Nhưng chắc chắn bạn có tin vào những vấn đề có thể xảy ra mà không phải khởi nguồn từ vật lí. Người ta tin rằng lời cầu nguyện sẽ được Chúa đáp trả, lời khấn vái sẽ được Bồ Tát đáp trả nếu thành tâm, rằng người ta có thể giết tế bào ung thư chỉ bằng cách nghĩ về nó, cũng như bẻ cong muỗng…và hàng loạt những câu chuyện khác, vậy bạn cũng mơ hồ hình dung rằng tâm trí của mình cũng thực hiện được việc siêu nhiên nào đó.

Bạn chính là năng lượng, và bạn có thể phát ra năng lượng, dưới dạng vô hình. Và chung quanh bạn là thế giới của năng lượng, mỗi người là một đuốc của năng lượng, chúng tồn tại trên đầu bạn, dưới chân bạn, chung quanh bạn, và bên trong bạn. Nhưng bạn thường không dùng nó, bạn thường gói gọn thân phận mình trong một phạm vi hiểu biết và làm nó bị hạn chế đi. Bạn, với tư cách là một phần trong mạng lưới bất tận của vũ trụ, có ảnh hưởng tới thế giới, và có khả năng thay đổi thế giới bằng tác động của bản thân. Sự thay đổi đó chỉ là ít hay nhiều đủ để bạn nhận thấy hay không thôi. Điều quan trọng là sự phân tâm của tâm trí chúng ta với một ngàn điều khác nhau, sự tương tác của chúng ta với vô số các cá thể khác, làm cho năng lượng của chúng ta bị phân tán. Một ngày bạn có bao nhiêu ý nghĩ ? Người ta tính được xấp xỉ 50,000 ý nghĩ trong một ngày, nghĩa là 50,000 chuyện khác nhau mà bạn nghĩ tới. Có cái diễn tả được bằng lời, có cái bạn ý thức được bằng bộ nhớ, có cái chỉ lướt qua trong một phần nghìn giây. Hãy nhớ rằng não bộ đi nhanh hơn lời nói của bạn nhiều. Vậy, nếu mỗi ngày bạn chỉ nghĩ một ý nghĩ thôi thì sao? Chuyện này dường như không thể, nhưng giả dụ bạn chỉ nghĩ 30,000 chuyện khác nhau, còn 20,000 lần còn lại bạn chỉ tập trung vào một vấn đề nào đó? Liệu có thay đổi gì không? Có đấy, một người viết tiểu thuyết lúc nào cũng nhớ rằng ông ta đang tìm ý tưởng và nghĩ đến diễn biến cho câu chuyện của mình, một nhà chính trị gia cũng có một phần đáng kể trong ngày để nghĩ đến lĩnh vực của mình. Người theo đạo cũng có một phần nghĩ về lời răn và cầu nguyện. Tức là nếu chúng ta tập trung năng lượng của mình vào một cái gì đó nhất định, hay nhiều người chúng ta tập trung vào cái gì đó nhất định. Nhưng là cái gì? Điều đầu tiên là bạn có tin vào năng lượng của mình hay không? Đạo Chúa có bảo rằng: “Ngài không mong đợi điều không thể ở chúng ta, mà Ngài muốn chúng ta mong đợi điều không tưởng ở Ngài.” Và người ta cầu nguyện tới Chúa, nhưng chính Chúa trong những hình ảnh ngày nay, Ngài cũng đang cầu nguyện. Chúng ta khó có thể ngừng suy nghĩ trong một phút, vì có quá nhiều điều để nghĩ tới. Nếu có một chuyện gì đó khiến chúng ta tập trung toàn bộ cơ thể cũng như đầu óc, thì chuyện đó hẳn phải có lí và có ý với chúng ta, hẳn chúng ta phải TIN vào vấn đề đó, chúng ta phải THẬT SỰ khát khao nó.

Vận động viên điền kinh, vào giây phút mà họ gần chạm đích, nếu bạn hỏi họ lúc đó họ nghĩ gì, có lẽ họ sẽ trả lời là không có gì, vì trong tâm trí họ lúc đó chỉ còn đích đến mà thôi, một khoảnh khắc mà không còn ý nghĩ gì chen được vào họ, nếu họ nghĩ nhiều hơn một ý, thì họ sẽ không thể hiện được ở mức xuất sắc nhất. Nếu bạn hỏi một võ sĩ boxing là trong suốt trận đấu anh ta nghĩ gì, anh ta sẽ trả lời là chiến thuật để đánh thắng đối thủ của mình, nhưng chiến thuật đó có thể anh ta chỉ nghĩ tới vào đầu trận, khi vào trận rồi thì bạn có thể thấy trong mắt họ chỉ còn đối thủ của mình, và những cú đánh của họ không phải là do logic tính toán mà ra, những võ sĩ giỏi dùng bản năng, phản xạ, chiến thuật chỉ mang thứ yếu, họ dùng những thứ mà họ đã tập luyện và biến nó thành chính mình. Đôi khi, ý nghĩ không thể diễn tả bằng lời, đó là khi bạn không còn cảm thấy chính mình nữa, mà bạn cảm thấy một cái gì khác hơn, to lớn vĩ đại hơn. Khi đó năng lượng của bạn được tập trung tối đa, và thoát ra khỏi cái trói buộc của tư duy.

Vấn đề là, làm sao phá vỡ được tư duy đó ? Khi bạn sinh ra bạn đã đi học, rồi bạn sẽ trải qua bao nhiêu tầng của giáo dục, bao nhiêu chuyên ngành, rồi bạn sẽ tiếp thu bao nhiêu là tri thức mà nhân loại để lại, nó hình thành bạn, bạn nghĩ nó chính là bạn. Nhưng khi vào trạng thái tập trung cao độ, bạn có thể sẽ quên đi tất cả những thứ trong đời mà bạn biết tới, chúng chẳng có kí lô nào nữa cả.

Nhân loại thừa nhận rằng, lúc cận tử họ có thể làm nhiều điều phi thường. Lúc họ hành động vì lí tưởng, họ dũng cảm biết bao. Lúc họ say xỉn, họ ngẫu hứng tận cùng. Và lúc họ thiền hay cầu nguyện, họ cảm thấy sức mạnh dồi dào bên trong mình. Nhưng không phải lúc nào bạn cũng ở hoàn cảnh cận tử, không phải lúc nào bạn cũng có lí tưởng, không phải lúc nào bạn cũng say xỉn, và không phải lúc nào bạn cũng có lí do để thật sự tập trung vào một cái gì đó. Chỉ khi bạn có niềm tin, và người ta đòi bạn phải có niềm tin vững mạnh thì bạn mới sử dụng được quyền năng của mình.

Ở đây, xin đem đạo Chúa ra cân nhắc, dưới một góc nhìn khách quan của một quan điểm mới, không mang tính châm biếm hay đả kích.
   Chúa tạo ra thế giới này và loài người mang hình hài của Ngài.
   Chúa có phép màu và quyền năng tuyệt đối.
   Con chiên phải tin vào Ngài.
   Và Ngài có thể đáp ứng nhu cầu của con chiên qua lời cầu nguyện.
   Ngài sẽ lắng nghe.
Khi cầu nguyện con chiên phải kiên nhẫn, kiên định, cá nhân, mạnh  mẽ, đam mê, sâu lắng, tích cực.

Được giải thích như sau:

1) Kiên nhẫn, dù cho kết quả của lời cầu nguyện không tới ngay lập tức, hãy cầu nguyện và nghỉ ngơi nhưng vẫn tin rằng Chúa đang thực hiện điều ước của bạn. Cầu nguyện là việc của bạn, và khi Ngài nhận được lời cầu của bạn, Ngài sẽ làm việc của Ngài.

2) Kiên định, đừng bỏ cuộc, hãy luôn giữ liên lạc với Ngài, khi bạn cảm thấy như muốn bỏ cuộc, hãy cầu Ngài nhờ giúp đỡ để tiếp tục. Khi bạn cảm thấy không thể cầu nguyện, hãy nhờ Ngài giúp đỡ chuyện đó luôn. Bất kể cảm giác của bạn ra sao, hãy hết lòng với Ngài. Bất kể bạn cần gì, hãy nhờ Ngài. Sự kiên định và kiên nhẫn rất quan trọng, bạn sẽ không bước qua ngưỡng thành công nếu thiếu nó

3) Cá nhân. Hãy dùng lời của riêng bạn. Mô tả cách mà bạn cảm thấy một cách chân thực và thẳng thắn. Hãy nhớ rằng Ngài ở trong tim bạn nên không cần phải giấu giếm gì cả. Hãy để lời của bạn trôi từ trong ra, và khi bạn không thành lời thì cũng không sao, nhớ rằng Ngài có thể thấy không chỉ là lời. Sức mạnh của một người cầu nguyện không nằm ở việc anh ta cầu cái gì, mà là việc anh ta cầu như thế nào và cảm thấy như thế nào. Đôi khi im lặng lại là sự cầu nguyện tốt nhất. Có người thậm chí không thể dùng lời để cầu nguyện nữa, nên cô ta/ anh ta chỉ hay nói “Ngài biết mà, thưa Chúa, Ngài biết mà.”

4) Mạnh mẽ, một người cầu nguyện mạnh mẽ có thể dịch chuyển cả núi. Nhưng làm thế nào? Khi Giê su cầu nguyện, Ngài cầu nguyện với quyền năng và dạy cho đồ đệ làm theo. Ngài có nói rằng, cầu nguyện như thể bạn đã có được kết quả rồi vậy. Ý gì ? Làm sao để có được sự tự tin như vậy? Qua kinh nghiệm, qua sự gần gũi với Cha. Lần đầu chúng ta cầu nguyện, chúng ta rất lung lay vì không biết mình có được những gì mình cầu hay không. Nhưng khi chúng ta biết cách Ngài làm, chúng ta biết cách phân biệt giọng của Ngài giữa thế giới đầy những tiếng thì thầm này, chúng ta dựa vào Ngài. Chúng ta học cách tin Ngài, cách yêu Ngài. Và đó là tất cả những gì cần thiết. Niềm tin, lòng tin, tình yêu. Chúng ta đang không nói chuyện với một người lạ nữa, chúng ta đang nói với bạn, một Người mà biết mọi điều về chúng ta, yêu chúng ta và muốn chúng ta được những gì tốt nhất, bây giờ và mãi mãi.

5) Sâu lắng là một từ đồng nghĩa với uyên thâm, hoàn toàn, một sự tuyệt đối. Một người cầu nguyện có khả năng dịch núi thì sâu tới mức mà sâu có thể diễn tả. Giờ chữ sâu này có thể được hiểu theo vài cách. Một người cầu nguyện sâu lắng có thể phản chiếu được những suy nghĩ thầm kín được ẩn giấu tận bên trong; một người cầu nguyện mà đi xa hơn nhiều cái bề mặt, đi vào những nơi mà bạn thường không cho ai biết. Một người cầu nguyện uyên thâm có thể truy đến gốc rễ mọi vấn đề và hoàn cảnh. Hai yếu tố này rất quan trọng, khi bạn cầu cho một phép màu, bạn bước vào một lãnh địa của “niềm tin”. Một cách vô thức, bạn bước vào một địa hạt mà trong đó niềm tin đứng đối nghịch với vật lý, y tế, triết học, lịch sử, tâm lí học, và nó phải được chứng minh mạnh hơn bất kì lãnh vực nào. Đó là một thử thách đấy! Nhưng khi nó đã được chứng minh nhiều lần, nó có địa vị của mình và qua được bài kiểm tra.

6) Đam mê là đặt trái tim và tâm hồn mình vào cái gì đó. Bạn không thể là một người cầu nguyện máu lạnh được. Là sức nóng, là nhiệt dâng lên tới vương miện của Chúa. Nó là tia lửa đâm xuyên qua bầu trời và đi tới trái tim của người Cha. Ngài yêu đam mê. Với tư cách là đấng tạo hóa và là một nghệ sĩ, Ngài biết rằng không có đam mê thì không đạt được gì vĩ đại cả. Đôi khi đam mê bao gồm sự đau khổ và nước mắt, làm tổn thương chính mình, trở nên trơ trọi, cho đi mọi thứ. Nhưng đó lại là một hiểm họa đáng để thử. Và trong mối quan hệ với Chúa, nó thậm chí chẳng còn là hiểm họa nữa.

7) Tích cực. Chúng tôi không biết cơ cấu phức tạp của vũ trụ này và cách vận hành của nó. Nhưng chúng tôi có biết về một sự cân bằng giữa tốt và xấu, tích cực và tiêu cực. Nguyên lí của hó học và vật lí có chứng minh. Chúa không bảo chúng ta phải hiểu. Nhưng Ngài muốn chúng ta đứng về phía tốt. Phần nhỏ nhất của tâm trí chúng ta thôi cũng đủ để làm mất thăng bằng của thế giới. Chúng ta chưa bao giờ biết bao nhiêu phần tốt chúng ta mang vào thế giới này bằng những ý nghĩ tích cực, lời nói hay hành động. Nhưng chúng ta có biết rằng cầu nguyện là một trong những điều bí ẩn có thể giúp thế giới này cân bằng. Nó, một cách nào đó, giống như là ném đá vào dòng sông. Mỗi lần chúng ta cố ném hòn đá xa hơn rồi nhìn thấy nó nhưng chỉ ở một điểm nào đó. Chúng ta không bao giờ biết nó đi bao xa và bao sâu dưới bề mặt.” ( dịch nguyên bản từ trang web www.peoplegetready.org/prayer/powerful-miracle-prayers-ps-prayer.)

Đoạn trên đây là lời giải thích trong một trang web về đạo; được xem là một quan điểm chuẩn về góc nhìn từ phía bên trong đạo. Để thấy được ý nghĩa của những lời trên, bạn có thể đối chiếu vào quan điểm của bài để từ đó suy ra, chúng ta đều ý thức được sự việc, nhưng chúng ta chỉ giải thích và lí giải chúng khác nhau nhằm dễ hiểu.

Và như đã nói, thế giới này luôn vận động. Lực kiềm tồn tại khắp nơi, nếu chúng yếu hơn lực hủy diệt thì giai đoạn hủy diệt diễn ra, để sau đó bắt đầu giai đoạn tái sinh; nếu chúng (lực kiềm ) mạnh hơn lực hủy thì chúng sẽ dần trở thành lực hủy và cũng dẫn đến kết thúc tương tự. Sự đấu tranh của lực, cũng như của năng lượng diễn ra trên quỹ thời gian vô định. Không có định nghĩa cái nào là tốt hay xấu, nhưng khi chúng ta đang tồn tại ở một phía của lực, và phía kia mang tính chất làm tan rã chúng ta, thì chúng ta hiển nhiên coi nó là xấu, và ngược lại. Mỗi hướng của lực, hay mỗi chu kì vận động của năng lượng, biến, đan xen và phức tạp, sự tồn tại của mỗi chu kì là vô chừng, tuy nhiên trong mỗi chu kì nó luôn mang lại hình, dạng, thể tồn tại cụ thể của những dòng năng lượng. Và những dòng năng lượng đó luôn vận động để thúc đẩy quá trình bên kia.

(Hạ Đình Hàn Giang, ABAAC UNIVERSITY, Thailand 6-2012)

Bình luận

Security code
Refresh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Hỗ trợ trực tuyến

Lại Văn Anh

Số lượt truy cập

cai nghien ma tuy, trung tam cai nghien ma tuy, tu van cai nghien ma tuycai nghien ma tuy, trung tam cai nghien ma tuy, tu van cai nghien ma tuycai nghien ma tuy, trung tam cai nghien ma tuy, tu van cai nghien ma tuycai nghien ma tuy, trung tam cai nghien ma tuy, tu van cai nghien ma tuycai nghien ma tuy, trung tam cai nghien ma tuy, tu van cai nghien ma tuycai nghien ma tuy, trung tam cai nghien ma tuy, tu van cai nghien ma tuycai nghien ma tuy, trung tam cai nghien ma tuy, tu van cai nghien ma tuycai nghien ma tuy, trung tam cai nghien ma tuy, tu van cai nghien ma tuy
mod_vvisit_counterToday326
mod_vvisit_counterYesterday787
mod_vvisit_counterThis week4604
mod_vvisit_counterThis month1113
mod_vvisit_counterAll3370045