Ngày tôi buồn nhất là ngày cậu em trai thú thật với tôi về việc cậu ấy tái
nghiện và xin gia đình chấp thuận cho đi cai. Đã bước đi những bước chững chạc
gần ba năm trời, mà giờ đây lại tái nghiện, tôi đau không thể tả. Mơ hồ như ngồi
trên mây, tôi lái xe chở cậu em trai đi cai nghiện mà người gai gai như lên cơn
sốt. Mới hôm qua tôi còn nghĩ sau này việc gì cũng phải hỏi ý kiến em, vì em đã
làm được cái việc vô cùng khó là khỏi bệnh nghiện, vậy mà…

Ảnh minh họa
Đang vừa lái xe vừa rối bời với hàng loạt suy nghĩ không đầu không cuối, cậu
em tôi hỏi rất khẽ khàng “Anh hai mang đủ tiền không?” Tôi ức muốn khóc “Thôi
em đừng chơi cái ân huệ nữa, vào cai dứt điểm đi, cho anh thấy cái quyết tâm của
em đi”. Cậu em lại khẽ khàng “Không anh, em hỏi vậy là xin anh hai đóng luôn 6
tháng tiền, để em phấn đấu được ra hàng làm bảo vệ hay công việc gì phù hợp với
mình ấy, người ta thấy hợp sức và tuỳ vào trình độ người ta bố trí việc làm tại
chỗ luôn. Cứng cáp một thời gian rồi mới về xã hội sau vậy”…
Tôi ngẩn người, lắp bắp “Em cứ nói tiếp”. Cậu em như được cởi tấm lòng “Dạ,
chỗ cai nghiện ấy người ta có chương trình 12 bước hỗ trợ mấy bạn nghiện về tâm
lý nghiện và đưa các bạn ấy leo dần lên 12 nấc thang để trở nên hoàn toàn tự do
không còn phụ thuộc vào chứng nghiện.” Tôi thấy hơi khó tin buột mồm “Em có biết
là em mắc nghiện bao nhiêu năm rồi không, nếu cai nghiện dễ như vậy thì ai cũng
cai được, những năm trước anh bạc cả tóc vì chứng nghiện của em đấy không thấy
à?”…
Kiểm tra nhanh trong trí nhớ thấy chỉ còn không đủ 30 triệu, tôi thở dài
nói “Anh chỉ đủ tiền cho gần 3 tháng”. Cậu em sáng mắt nói “Không sao anh, đóng
từng tháng được anh à, lần này em quyết tâm điều trị lâu lâu chút, ra làm tại
trung tâm để giữ mình một thời gian, cứng cáp hẳn rồi về làm tiếp công việc của
mình. Gia đình giúp em lần nữa vậy, gia đình không biết chứ chính những người
nghiện là những người muốn quay về cuộc sống bình thường nhất, chứ chẳng phải
gia đình họ mới mong họ cai được chứng nghiện nhất đâu”.
Xót đến trào nước mắt, nhưng vì quá nhiều kinh nghiệm cho những lần trật vuột
trước, tôi phải tiếp tục khai thác lòng tin của chính mình với cậu em trai già
đầu “Tại sao em biết chắc chắn sau 6 tháng em sẽ được tuyển dụng vào vị trí phù
hợp tại trung tâm cai nghiện ấy, nói như em, ai cũng muốn được tuyển dụng, ai
cũng muốn được ở lại làm, chỗ nào chứa người cho nổi hả em?”… “Dạ đúng rồi anh,
các bạn sau khi trải qua 3 tháng thử thách, được bố trí vào bộ phận bảo vệ cũng
có, bảo trì cũng có, bếp cũng có… không quan trọng là công việc gì, nhưng có chỗ
để bắt đầu dọ dẫm từng bước một để đứng lên, tiếp xúc lại một cách từ từ với xã
hội, cứ lớp này tiếp nối lớp kia, sau khi về hẳn vẫn giữ mối quan hệ nguyên vẹn
với nhau để chia sẻ những tâm sự không thể chia sẻ cùng ai khác, để cùng giúp
nhau vượt qua các cú sốc tâm lý trong cuộc sống đời thường, khi mà dễ bị rơi vào
trạng thái tuột cảm xúc bất chợt và những thời điểm ấy là những thời điểm dễ
tái nghiện nhất. Tụi em gọi đó là nhóm ngoài, là nơi để mọi người như tụi em
cùng san sẻ kinh nghiệm và cùng giúp đỡ nhau thật sự”.
- Em đã
suy nghĩ được như vậy, tại sao lần này còn tái nghiện?
- Chẳng
biết nữa anh ơi, nếu biết được thì em đã không tái nghiện, chắc thời gian qua
em đã bỏ qua nhóm ngoài, nghĩ là mình đã đủ cứng cáp để đứng vững. Mà em cũng vững
thiệt mà, gần 3 năm trời…
- Em có
biết rằng chỉ có trước khi chết mà mình vẫn không tái sử dụng ma tuý thì mới gọi
là cái chết sạch của một người mắc chứng nghiện và cũng đến lúc đó mới gọi là
đã cai nghiện thành công không?
- Dạ em
biết.
- Thực
ra đối với ba mẹ mình và anh, chỉ cần em biết suy nghĩ thì chẳng ai không cố gắng
để đưa em về cuộc sống bình thường cả, nếu thật sự vậy thì…
Cậu em cắt ngang, cười buồn:
- Bản
thân mình là chính anh ơi, đến 70% cơ, còn gia đình thì 20% và xã hội chỉ 10%.
Bọn em được thống kê như vậy. Cũng kỳ cục, bệnh nghiện khi tái lại toàn là do ở
ngoài xã hội, mà chỉ được xem là 10%.
- Riêng
việc này thì anh công nhận là đúng, vì nếu các em được trang bị đầy đủ kiến thức
như một hành trang hữu hiệu để trở về cuộc sống bình thường thì những yếu tố xã
hội cũng chỉ đến tưng đấy phần trăm thôi em ạ, bản thân mình mới là mối lo đáng
quan tâm nhất để tránh xa cái căn bệnh làm đau đầu xã hội này.
- Dạ vậy
nên em mới xin được cai nghiện ở đó, ở cũng thoải mái, không lo đại bàng đại
bác. Câu nói muôn thuở là “Ở đây chỉ có anh em chứ không có mấy anh đại ca hay
mấy cha đầu gấu”, không lo bị ăn chặn cái này cái nọ. Anh biết không, ở những
nơi khác, có cai nghiện 10 năm thì 10 năm vẫn là học viên, còn ở đây, khi được
đứng trong hàng ngũ của những người cùng chung tay chống lại căn bệnh nghiện,
và cụ thể nhất là khi được cầm chùm chìa khoá và bóp ổ khoá cửa các học viên
khác, tư tưởng mình khác ghê lắm, mà tự hào lắm, thấy mình xứng đáng lắm cho
quá trình học tập ở đây, và lúc ấy tự nhiên nghĩ chơi bời làm gì nữa, ráng để
không bao giờ phải vô hàng lại, nghĩa là
phải đi cai lại, cắt cơn lại và phải phấn đấu lại.
Tôi im lặng lái xe, trong đầu vẫn chưa hoàn toàn tin vào những điều mình
đang nghe từ chính người em nghiện, trong đầu cứ loang loáng cái câu cũng muôn
thuở: “Không nghe *** nói chuyện, không nghe nghiện trình bày”…
Khung cảnh thành phố dần lướt qua nhường chỗ cho khu du lịch sinh thái Bình
Quới dần hiện ra, có những khu câu tôm giải trí, những hồ cá lớn, những địa điểm
sinh hoạt văn hoá đồng quê dần hiện ra, như xoa dịu dần những nỗi đau của riêng
tôi.
Dừng lại tại số 310 Bình Quới, tâm trạng tôi vẫn không khỏi hoài nghi về những
giá trị thực sự của những điều cậu em trai vừa nói, mà có khi chính cậu ấy cũng
không biết. Nếu những điều ấy là hiện thực, thì đấy chính là cứu cánh, là tia
sáng cuối đường hầm cho rất nhiều gia đình đang rơi vào tình trạng khốn khổ vì
có con em mắc chứng nghiện.
Tiễn em trai vào khu vực cắt cơn xong, tôi có một cuộc nói chuyện đáng đồng
tiền bát gạo với tổ tư vấn của trung tâm cai nghiện ma túy Làng Bình Minh. Quả
là trung tâm có hướng phát triển cho các học viên cai nghiện hoàn toàn dựa trên
chương trình 12 bước của Đan Mạch được xây dựng bởi hội những người nghiện ẩn
danh. Chương trình xây dựng quá trình hoàn thiện một người nghiện từ bước căn bản
nhất là phải chấp nhận bản thân là một người nghiện, đến bước thứ cuối cùng là
truyền thụ lại, nâng đỡ lại, dìu dắt lại lớp người nghiện sau muốn vươn lên bằng
chính kinh nghiệm bản thân đã trải qua có khi bằng cả những giọt nước mắt cay đắng
và ân hận của mình.
Câu nói còn đọng lại trong tôi là câu nói đầy ý nghĩa của cậu em trai trước
khi vào cai “Em không dám nói trước điều gì cả, nhưng hy vọng sau này em sẽ
không cần phải làm phiền lòng anh hai với ba mẹ nữa, hy vọng sau chuyến này em
khỏi được nghiện luôn”.
Đóng cửa xe, xoay chìa khoá tôi thấy chiều nay trời đẹp hơn hẳn, gió mát
hơn hẳn tất cả những buổi chiều khác cộng lại…
Cách đây 1 tuần, công việc của tôi không đạt, tôi bị sếp phê bình,
tôi nhắn tin cho người yêu, kể lể, bỗng nhiên anh ta gọi lại và gắt lên:
“Anh bận lắm, đừng nhắn tin nữa”. Tôi chết
lặng, hụt hẫng, anh ta hẳn đã có người khác rồi. Tôi chẳng biết nói
chuyện này với ai, dù vẫn gặp cha mẹ, anh em, bạn bè…

Nhưng không như trước kia, tôi không đổ lỗi cho người làm tôi khốn
khổ. Tôi không căm ghét ông sếp cay nghiệt, tôi không tập trung suy nghĩ
vào thái độ lạ lùng của người yêu. Về nhà, tôi tránh giao tiếp với
người thân để hạn chế xung đột nếu như tôi không kịp kiểm soát lời nói
khi tâm trạng không thoải mái.
Tôi cũng không còn lang thang ngoài phố, lao vào mua sắm, ăn uống, và
tán gẫu…bởi những thứ ấy không giải quyết được tận gốc vấn đề của tôi,
mà tôi còn lệ thuộc vào chúng. Có những lúc quá buồn, tôi ngủ vẫn để
tivi, nửa đêm tôi hay giật mình thức dậy, sáng mai tôi đi làm với gương
mặt nhàu nhỉ. Lần này, tôi không làm như thế.
Tôi cũng không tìm gặp nhà tư vấn để trút bỏ nỗi lòng…
Bởi
không ai có thể sống thay cuộc đời của chính tôi. Không ai có thể cảm
nhận đầy đủ tình yêu, khát vọng và nỗi đau của chính tôi. Chính tôi mới
có thể hiểu mình nhất. Thêm vào đó, bản chất sâu thẳm của tâm hồn mỗi
người là sự thông thái nội tâm. Chính vì vậy, khi đứng trước những vấn
đề lớn lao, người ta thường khuyên nhau: “Hãy tĩnh tâm” để suy ngẫm và
tự mình quyết định. Vì vậy, tôi thử một cách mới: trò chuyện với bản
thân. Một cuộc trò chuyện rất khác thường với đối tượng “quen ơi là
quen” của tôi. Tôi đã tự hỏi mình:
Mình cảm thấy như thế nào về điều này?
Khi
gặp bất trắc, điều tôi cần nhất là được quan tâm, vậy nên tôi đã trao
sự quan tâm cho chính bản thân bằng cách hỏi thăm chính mình. Sau đó,
tôi trả lời cho chính mình cảm xúc chân thật mà mình đang có. Mình đang
cảm thấy trống trải, thua kém, thất vọng, oán hận…
Tôi lặp lại những gì vừa trả lời, xác nhận xem có đúng vậy không?
Đây
không phải là bước thừa mà là tôi thể hiện sự lắng nghe và thấu hiểu
chính mình. Trong mọi cuộc đối thoại, chúng ta luôn cần người khác lắng
nghe, thấu hiểu. Do đó, tôi cũng cần trao sự lắng nghe, thấu hiểu cho
bản thân.
Mình thật sự muốn gì?
Tôi hỏi mình câu này nhiều lần cho đến
khi câu trả lời chạm đến các phẩm chất, các giá trị. Vì điều chúng ta
thật sự cần nhất chính là các giá trị nhân văn. Người ta xây nhà vì
muốn được an toàn, người ta làm việc vì muốn phát huy lòng tự trọng và
được tôn trọng, người ta lập gia đình vì muốn được hạnh phúc và yêu
thương. Tôi hỏi và để chính mình trả lời. Tôi là VIP (very important person) trong căn phòng nội tâm. Nguyên tắc là hãy để chính mình được bộc lộ tự nhiên và chân thật nhất.
Khi
tôi nhắn tin cho người yêu, mong được an ủi chia sẻ, nhưng anh ta nói
“đừng nhắn tin cho anh nữa”, vậy tôi có muốn người ấy giải thích lý do
không?. Tôi tự hỏi mình tiếp: “Đằng sau việc muốn người ấy giải thích,
mình thật sự muốn gì?”. Và tôi nhận được câu trả lời: “Tôi muốn được tôn
trọng”.
Mình có thể làm gì để vấn đề tốt hơn?
Ở câu hỏi
này, tôi đang hướng đến giải pháp. Tôi biết một thực tế rằng chúng ta
không thể kiểm soát được người khác. Vì vậy, nếu muốn vấn đề khác đi,
điều thực tế nhất là bản thân tôi cần phải làm gì.
Chúng ta có thể
đề ra những hành động cụ thể, hay khơi dậy những phẩm chất trong mình.
Để phản hồi thái độ lạ lùng của người yêu, tôi đã chọn giải pháp: trân
trọng chính mình, trân trọng những gì mình đã làm và tiếp tục làm tốt
hơn nữa đó là cách trao lòng tôn trọng cho bản thân và có được sự tôn
trọng từ mọi người.
Mình chắc chắn làm những điều đó chứ?
Tôi hỏi mình để nhằm khẳng định quyết tâm.
Tôi
chọn giải pháp tôn trọng chính mình, có thể tôi mất người yêu, nhưng
tôi không thể mất lòng tự trọng. Tôi bình tỉnh, không gào thét trong
lòng cũng như không tìm cách để gặp hay gọi cho anh ta. Khi đau đớn,
người tôi cần ở bên tôi, là chính tôi.
Khi trò chuyện với chính
mình, tôi nhận ta “Mối quan hệ với bản thân là nền tảng cho tất cả mối
quan hệ với người khác”. Bản thân bạn chính là người sẽ ở cùng bạn từ
giây phút đầu tiên đến giây phút sau cuối của cuộc đời mình. Ba mẹ cũng
có thể rời xa bạn. Vợ chồng cũng cần những giây phút riêng tư, con cái
có cuộc đời riêng… Chỉ có bạn là VIP thật sự của chính mình.
Vì
vậy, sao phải đợi đến khi có sự cố mới ngồi lại với chính mình? Bạn có
thể trò chuyện cùng bản thân mỗi ngày, nhìn nhận những điều tốt đẹp mình
có hay làm được, thấu hiểu những cảm xúc thăng trầm và rút ra những
kinh nghiệm… Đừng để mình phải gọi bản thân là “người lạ ơi”. Bạn có thể
giúp ít nhất 1 người trên đời này hạnh phúc, đó chính là bạn. Cuộc đời
sẽ trân trọng bạn vì nghĩa cử ấy
Bạn nghĩ gì về bài viết này. Hãy để làm cảm nhận của bạn ở bình luận phía dưới nhé
Phương Trinh
Những người tham gia thiền đều đặn sau một
thời gian đều nhận thấy sự thay đổi rõ rệt của bản thân. Từ việc thường
xuyên dễ dàng giận dữ và phản ứng tiêu cực, họ đã trở nên tỉnh táo bình
tĩnh hơn để có thể đưa ra được những quyết định đúng đắn hơn trước kia.
Đồng thời họ đã thấu hiểu về bản thân, biết chấp nhận bản thân và người
khác.

Thiền mang lại sức mạnh nội tâm - Ảnh minh họa
Hăm hở xách cặp đi làm trong cái tiết trời Thu miền Nam
nhiều mưa hơn là nắng, tôi thầm nghĩ mấy tháng này trong năm là mùa rộ
cưới. Các cặp uyên ương miền Bắc thì yêu cái lá vàng trải thảm con đường
vu quy, còn các đôi tình nhân miền Nam thì tranh thủ cưới tầm này để
Tết còn về thăm quê. Cái không khí rộn ràng cứ luẩn quẩn trong làn gió
mát sáng sớm, thoang thoảng dư âm của cơn mưa dầm đêm hôm trước.
Chưa kịp yên vị trên ghế, tôi đã nhận được cái thiệp, đỏ
chót màu cưới cộng thêm cú à lố à lồ nhờ vả chút chuyện hệ trọng. “À thì
ra cậu bạn giang hồ khét tiếng quận 4 sắp lấy vợ”. Lật đật chạy vòng
qua Bến Vân Đồn, tôi được chào đón bởi một con người khác hẳn với những
ấn tượng của tôi vài năm trước. Nhìn cậu bạn tóc hớt cao, mập mạp khỏe
khoắn, mặc quần Tây áo sơ-mi, không còn thấy cái sóng gió giang hồ của
một con nghiện lâu năm, khiến tôi ngẩn cả người, khựng lại không biết có
đúng bạn mình không. Cái màn chào hỏi cũng lạ, lịch sự đến kỳ cục, cứ
như cậu ấy sắm sửa đâu một con người mới hoàn hảo từ đầu đến chân. Sau
chầu cà phê hàn huyên những chuyện trên trời dưới đất, đến màn nhờ vả,
cậu bạn giang hồ lại làm tôi giật mình thon thót, chẳng giống với cậu ấy
ngày xưa chút nào:
- Cậu làm bên lĩnh
vực làm đẹp, có biết chỗ nào xóa xăm re rẻ không, vì tớ xóa xăm toàn
thân, để nhà vợ khỏi nghĩ ngợi, lo lắng và nói chung là không biết gì về
cái quá khứ mà tớ đã đoạn tuyệt.
Lại giật mình vì cái ý tưởng chưa bao giờ nghĩ đến này,
tôi quá sức ngạc nhiên nhớ lại cậu ta đã từng rất tự hào về những hình
vẽ vằn vện cào cấu lên cơ thể, coi đó là bề dày các chiến tích giang hồ.
Tôi gạn hỏi, bóng hồng nào đã ra tay cứu rỗi cậu bạn tôi ngon lành như
vầy. Cậu bạn trầm ngâm:
- Chẳng phải cậu ạ,
thứ nhất tuổi cũng cứng rồi, thứ hai may mắn mấy năm qua được học tập và
làm việc tại trung tâm cai nghiện ma tuý Làng Bình Minh, nên cái đúng
cái sai, cái hay cái dở đã nhận biết được. Ở đó tớ mê nhất cái môn
Thiền, học từ khi còn là học viên, sau ra công tác bảo vệ, tớ vẫn chăm
chỉ tự thiền mỗi ngày, nên ổn định con người lúc nào không biết. Cậu
ngạc nhiên khi gặp tớ cũng phải.
Đến đây thì tôi bắt đầu cảm thấy bị cuốn hút vào câu
chuyện. Đã từng tham gia rất nhiều hội thảo, dự rất nhiều các sự kiện về
Thiền định nhưng chưa bao giờ tôi có khái niệm về những ứng dụng của
Thiền định dành cho người mắc chứng nghiện.

Ông Lại Văn Anh (trái) đang hướng dẫn các học viên thực hiện bài thiền
Phóng xe đến ngay trung tâm Cai nghiện ma tuý Làng Bình
Minh, tôi được gặp ông Lại Văn Anh, Giám đốc trung tâm, đồng thời cũng
là người soạn giáo án và trực tiếp hướng dẫn các học viên các lớp Thiền
từ thấp đến cao tại trung tâm. Khi được hỏi nguyên do và căn cứ nào
khiến ông đưa Thiền vào chương trình Hồi phục 12 bước để truyền đạt cho
học viên mỗi ngày, ông giải thích rất rõ ràng:
- Tất cả các em học
viên mắc chứng nghiện và tái nghiện thông thường đều xuất phát từ việc
không làm chủ được bản thân trước sức cám dỗ của ma tuý, hoặc khi gặp
những tình huống xấu trong cuộc sống có thể khiến tâm lý các em bị dao
động mạnh. Chính vì vậy, bên cạnh chương trình Hồi phục 12 bước, tôi chủ
trương đưa môn Thiền vào hướng dẫn, để điều quan trọng nhất là giúp các
em luôn tự chủ trong cuộc sống và luôn bình tĩnh trước mọi biến cố có
thể gặp trên đường đời.
- Xin ông cho biết cụ thể hơn?
- Hằng ngày, thông
qua các buổi chia sẻ của Chương trình Hồi phục 12 bước, các em học viên
đều được khuyến khích dành 10 phút trước buổi học để trải nghiệm bản
thân trong sự tĩnh tại, trong không gian nhạc nền và ánh sáng thích hợp.
Đấy là thời điểm thực hiện hành trình khám phá bản thân, thực tế, là
tái khám phá, là thời gian dùng cho suy ngẫm và yên lặng để đánh thức
Bình an - Yêu thương - Hạnh phúc và sức mạnh nội tâm bên trong tâm hồn
mình.
- Có kết quả cụ thể và rõ ràng không, thưa ông?
- Những người tham
gia đều đặn sau một thời gian đều nhận thấy sự thay đổi rõ rệt của bản
thân. Từ việc thường xuyên dễ dàng giận dữ và phản ứng tiêu cực, họ đã
trở nên tỉnh táo bình tĩnh hơn để có thể đưa ra được những quyết định
đúng đắn hơn trước kia. Đồng thời họ đã thấu hiểu về bản thân, biết chấp
nhận bản thân và người khác. Đây chính là cầu nối giữa Thiền định và
bài đầu tiên của Chương trình Hồi phục 12 bước: “Chấp nhận rằng mình bất
lực và không thể kiểm soát bản thân trước chứng nghiện”.
- Xin ông giải thích kỹ hơn về chương trình Hồi phục 12 bước dành cho người mắc chứng nghiện?
- Chương trình này
được áp dụng từ lâu ở Mỹ, nhằm giúp khôi phục lại những giá trị vốn có ở
người mắc chứng nghiện. Chúng tôi đã hiện thực hoá chương trình này
theo cách cho học viên điều trị tiếp cận và dần tham gia vào hàng ngũ của những người không chấp nhận người khác tiếp tục sử dụng ma tuý.
Sau một thời gian học tập đủ trưởng thành, để dần dần cũng không cho
phép chính bản thân mình tái sử dụng ma tuý. Chương trình được xây dựng
dựa trên 3 yếu tố chính: Xã hội, Gia đình và Bản thân người nghiện. Ba
yếu tố này cần phải được hệ thống hoá và tương tác toàn diện với nhau để
giành giật lại từng người nghiện về với cuộc sống vốn có trước đây,
thậm chí tạo một ngã rẽ toàn diện cho họ.
- Thưa ông, ông có thể cho biết về sự tương tác tích cực của bộ môn Thiền và Chương trình Hồi phục 12 bước?
- Như tôi đã nói, chủ
yếu là các em không làm chủ được bản thân, từ đó không thể có được
những phản vệ có điều kiện trước ma tuý. Bộ môn Thiền - Yoga tâm trí
(chúng tôi tạm gọi như vậy) tạo cho các em thói quen bình tĩnh trước mọi
sự kiện, biến cố trong cuộc sống để đủ năng lực đưa ra những quyết định
đúng và có giá trị cho bản thân. Đó chính là phản vệ có điều kiện mà
chúng tôi mong muốn trang bị được cho các em khi các em hiện diện trở
lại trong cuộc sống.
- Chắc ông đã có nhiều trải nghiệm với Thiền?
- Ngoài việc đã tham
gia làm công tác cai nghiện gần 20 năm, tôi còn là một thành viên lâu
năm của Inner Space và hơn 10 năm nghiên cứu Thiền & Yoga. Tôi
thường xuyên thực hành thiền định mỗi ngày từ 6 năm nay. Việc này giúp
tôi nhận ra lợi ích lớn lao của Thiền đối với việc củng cố bản lĩnh bản
thân trong cuộc sống. Với mong muốn các em học viên cũng làm được như
mình, tôi đã đưa Thiền - Yoga tâm trí vào để hỗ trợ cho các học viên mắc
chứng nghiện, hoàn toàn không hề tính phí. Thiền đã dần trở thành một
khía cạnh quan trọng trong Giá trị sống, đồng hành với Chương trình Hồi
phục 12 bước từ hơn 10 năm nay của trung tâm.
Ông Lại Văn Anh cho biết thêm ông đã phải nghiên cứu, sơ
lược lại giáo trình Thiền định của Inner Space, làm sao phải giữ được
tất cả các giá trị cốt lõi của Thiền nhưng các học viên của trung tâm
cai nghiện ma túy Làng Bình Minh vẫn có thể dễ dàng tiếp thu được cái
tinh tuý của bộ môn, gặt hái được thành quả từ việc thực hành môn Yoga
tâm trí này mỗi ngày một cách nghiêm túc và say mê. Các bài học Thiền
được ông lồng ghép khéo léo vào chương trình Hồi phục 12 bước giúp học
viên có thể nhận thức được và tự tìm được câu trả lời cho những vấn đề
của chính mình. Thiền không phải là một lễ nghi tôn giáo, mà đơn giản là
phương pháp khơi dậy nguồn sức mạnh nội tại, thông qua sự tĩnh tại mà
các người tập Thiền đạt được, để giải toả những áp lực (stress) tồn
đọng, biết yêu thương chính bản thân mình. Ông còn nói rằng đối với các
học viên đang tìm lại giá trị của bản thân, thì phải giúp họ biết yêu
quý và tôn trọng bản thân mình trước đã, rồi mới có thể luyện nội lực
cũng như năng lực để lo lắng và chăm sóc cho những người mà mình quan
tâm. Theo ông, đó chính là hiện thực hoá Thiền trong cuộc sống đời
thường.
Cho đến nay, chưa có một kết luận chính thức nào về việc
xem Thiền định là giải pháp tốt nhất cho người mắc chứng nghiện. Tuy
nhiên, nếu quan sát những bệnh nhân mắc chứng nghiện tham gia học tập,
thực hành đều đặn những bài học Thiền tại Trung tâm Làng Bình Minh, thì
ta có thể dễ dàng nhận ra sự thay đổi mang tính chất tích cực trong họ.
Đây phải chăng là phương pháp điều trị cân bằng tâm lý hữu
ích nhất dành cho không chỉ những người đang mắc chứng nghiện? Và việc
đưa Thiền trở thành một bộ môn không thể thiếu trong quá trình điều trị
tại trung tâm cai nghiện ma tuý Làng Bình Minh chắc chắn là một giải
pháp thông minh để hỗ trợ và củng cố tinh thần cho các mảnh đời đang
muốn được làm lại.
Và lúc này, trong đầu tôi thoáng lướt qua một số địa chỉ
khá tin cậy về việc xoá hình xăm để giúp cậu bạn bước những bước vững
chãi hơn, tự tin và oai phong hơn đến nhà vợ.
Bước đầu tiếp cận với chương trình Hồi phục 12
bước (twelve steps programe) dành cho người có sử dụng ma túy, tôi lập
tức hiểu ngay giá trị về mặt hiệu quả mà chương trình đem đến như một
món quà vô giá tặng gia đình những người mắc “chứng nghiện” mãn tính.

Ông Lại Văn Anh - Giám đốc trung tâm trong 1 giờ lên lớp về chương trình Giá trị sống
Nói đến việc phục hồi của một căn bệnh,
chúng ta không thể không nhắc đến sự giúp đỡ của y học. Nhưng có những
căn bệnh không thể chữa trị bằng những viên thuốc thông thường, mà đó là
cả một quá trình dài vực dậy niềm tin mạnh mẽ của người bệnh, khôi phục
lại những giá trị nhân phẩm đã vô tình bị bỏ quên từ khá lâu, mà cả
người bệnh và gia đình họ vẫn đang mải miết tìm lại.
Đầu những năm 1990, ma túy (heroin) bắt đầu xuất hiện ở một số tỉnh
thành lớn, và chỉ chưa đến 10 năm sau, “trắng” đã bắt đầu hoành hành ở
hầu như tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Đồng thời từ những cơ quan
có thẩm quyền, hàng loạt các biện pháp phòng chống, ngăn chặn được nhanh
chóng tuyên truyền, thực hiện. Các qui định quản lý, chế tài người
nghiện được ban hành quyết liệt, nhưng việc giành giật lại những con
người ấy vẫn là con đường dài thăm thẳm. Theo quan điểm khá mang tính
chủ quan của tôi, những phương pháp ấy còn đang thiếu một yếu tố mang
tính thiết yếu, đó là sự khôi phục lại giá trị nhân phẩm vốn có trong
mỗi một bệnh nhân. Và đương nhiên, việc này cần sự hợp tác toàn diện của
gia đình và bản thân người bệnh…
Bước đầu tiếp cận với chương trình Hồi phục 12 bước (twelve steps
programe) dành cho người có sử dụng ma túy, tôi lập tức hiểu ngay giá
trị về mặt hiệu quả mà chương trình đem đến như một món quà vô giá tặng
gia đình những người mắc “chứng nghiện” mãn tính. Đa phần những người
nghiện không chấp nhận thực tế rằng mình đang có bệnh và cần sự giúp đỡ
chữa trị. Cái hay của chương trình là ngay từ bước đầu tiên đã hướng các
thành viên tham gia hiểu và chấp nhận rằng bản thân mình đang bất lực
và đang gánh những hệ lụy xấu từ “chứng nghiện”. Chỉ khi biết chấp nhận
thực tế của bản thân mình, các thành viên mới mở lòng hơn với những bước
điều trị hồi phục tiếp theo.
Mang tính khái quát cao, từng nấc thang trong các bước hồi phục giống
như một con đường với đầy đủ những trải nghiệm, những kinh nghiệm của
các lớp thành viên trước đã và đang tham gia chương trình. Dự thính một
lớp học, tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự cởi mở, chân thành của các
thành viên tham gia, chia sẻ toàn bộ những suy nghĩ trong ngày và chẳng
hề giấu giếm nhau điều gì. Lớp học có sức thu hút đáng kể, và tôi chợt
khám phá ra, chính các thành viên đang tham gia chương trình lại là giáo
án đầy đủ nhất mà người hướng dẫn đã khéo léo nắm bắt được. Bên cạnh
đó, những bài học về Giá trị sống luôn được dạy xen kẽ với chương trình,
để tạo ra một hiệu quả hoàn hảo nhất về nhân cách để các thành viên
tham gia được khơi gợi để tự mình tìm lại được và tình nguyện noi theo.
Khía cạnh nhân văn, tâm linh cũng là điều mà chương trình hướng tới để
giúp các thành viên có một chỗ dựa tinh thần vào một niềm tin tín ngưỡng
bất di bất dịch.
Tiếp xúc với một vài thành viên đang tham gia chương trình hồi phục
12 bước tại Trung tâm Tư vấn & Cai nghiện ma túy Làng Bình Minh, nơi
duy nhất tại Việt Nam đang áp dụng phương pháp điều trị này, tôi nhận
thấy những thành viên ấy biết họ đang thành công, đang tràn trề hy vọng
về chính bản thân mình, đang thấy mình lại trở thành những công dân hữu
ích của xã hội. Rất nhiều những đôi mắt hạnh phúc vì cuộc sống không còn
lệ thuộc vào ma túy, rất nhiều những giọng nói sôi nổi, sẵn sàng tự kể
về mình, để tự hào khẳng định về giá trị bản thân đang được lấy lại từng
ngày, từng ngày…
Tôi hỏi một thành viên trong trung tâm:
- Bạn tham gia chương trình này bao lâu rồi?
- Dạ khoảng hơn 3 năm. Mà tính thời gian làm cái gì anh ơi, chương trình này để mình giữ sạch cả đời mà.
- Động lực nào khiến bạn tự nguyện tham gia chương trình?
- Mỗi người muốn từ bỏ ma túy đều có lý do riêng, nhưng hầu
như đều có điểm chung là “oải” quá rồi anh. Ghiền rồi phải làm bậy làm
bạ để có tiền chơi, chứ ba mẹ nào cho tiền chơi hoài đâu. Ai cũng vậy
chứ đâu phải riêng gì em.
- Bạn có bị mặc cảm mang “chứng nghiện” không?
- Lúc đầu có chứ. Nhưng bây giờ đỡ nhiều lắm rồi, có thể
nhắc đến “chứng nghiện” một cách thoải mái, bởi vì mình được trang bị
đầy đủ kiến thức rồi anh.
- Chương trình 12 bước này có gì gò bó bạn không?
- Không hề, học mà như chơi vậy á, vấn đề là mình chịu kiên trì hay
không thôi. Cái hay của “cái 12 bước này” khiến mình có lựa chọn đúng và
được đứng vào hàng ngũ của những người không cho phép người khác sử
dụng ma túy. Rồi dần dần, việc không cho phép chính bản thân mình tái sử
dụng ma túy sẽ là điều đương nhiên.
- Bạn đã quen với công tác bảo vệ tại trung tâm chưa?
- Dạ chỉ có người nghiện mới thật sự hiểu người nghiện, nên
em coi đó cũng là một cách giúp đỡ những anh em nghiện khác, giúp họ tự
mở ra một con đường rất mới cho cuộc đời của họ.
- Bạn ở lâu không thì được nhận xét, đánh giá, và được thử thách?
- Dạ 9 tháng - 12 tháng sinh hoạt, học tập, 3 tháng thử thách rồi làm
việc thực thụ, khỏi ăn chơi lêu lổng, lại có công ăn việc làm nữa. Được
trung tâm cho đi học Thiền và Giá trị sống chuyên sâu, con người em bây
giờ hiền lành hẳn, nói năng cũng nhỏ nhẹ đàng hoàng, có kiến thức và
hiểu biết hơn hồi đó nhiều.
- Hay quá, chắc ba mẹ bạn mừng lắm hả? Mà vậy coi như là bạn đã bỏ hẳn được ma túy chưa? Có sợ “té lại” không?
- Mãn tính mà anh, đến bây giờ em vẫn chưa biết khi nào em
“té lại”, nên em luôn luôn phải đề phòng. Còn ba mẹ em thì khỏi nói, ổng
bả vui lắm, nhà bây giờ lúc nào cũng như Tết. Mấy đứa em không còn hay
nghi ngờ em nữa, lại còn hay hỏi thăm em đủ tiền xài không, thiếu thì
nói tụi nó, khác hẳn hồi xưa…
Lúc này, tôi mới thấy chút giãn ra trên gương mặt người bạn trẻ, khi trải lòng về gia đình mình với vẻ tự hào không thể dấu.
- Còn nhiều các bạn tham gia chương trình này trưởng thành được như bạn không?
- Dạ nhiều anh, họ lớp thì làm việc tại trung tâm, lớp thì tái hòa
nhập xã hội, nhưng vẫn giữ liên lạc với tất cả các anh em trưởng thành
khác và với trung tâm, phòng khi tư tưởng dao động thì có các bạn tư vấn
hỗ trợ tinh thần ngay. Thực ra, những suy nghĩ khiến mình dao động tinh
thần chỉ dồn dập khoảng 10 - 15 phút, qua được là qua luôn, người nhẹ
nhàng hẳn.
Trò chuyện với ông Lại Văn Anh – Giám đốc Trung tâm làng Bình Minh,
người mạnh dạn áp dụng chương trình Hồi phục 12 bước và chương trình Giá
trị sống vào ngay sau giai đoạn Cắt cơn - Giải độc, điều mà chưa đâu
thực hiện, tôi hiểu được nhiều hơn về tấm lòng của một người đã khá lâu
năm làm công tác cai nghiện. Ông khẳng định:
- Phải có lòng tin vào những việc mình đang làm anh ạ, và cố gắng
tạo ra điều gì đó khác hơn so với những phương pháp thông thường, vì
tôi đã nhìn thấy quá nhiều sự thất bại. Vẫn còn vô cùng ít người biết về
giá trị thực sự của quá trình hồi phục 12 bước đang được áp dụng tại
đây. Các học viên được trang bị khá đầy đủ để tự tạo cho mình một phản
vệ có điều kiện trước ma túy. Và cái được đầu tiên chính là được cho bản
thân các em. Rất nhiều trường hợp, bộ phận tư vấn chúng tôi phải đến
tận nhà khuyên nhủ các em tự nguyện cai nghiện. Nếu các em đồng ý cai
nghiện, kể như chúng tôi đã thắng một nửa, đã thấy thành công một nửa
trong quá trình giành giật lại nhân cách cho một con người.
Cái tâm thầm lặng của ông - một người ăn chay trường, học chuyên sâu
về Giá trị sống, nghiên cứu về Thiền học, đã đem những điều học được
chuyển tải vào bài giảng cho học viên theo cách dễ hiểu nhất, thực tế
nhất, và dễ ứng dụng nhất.
Cũng theo lời ông Lại Văn Thắng – Trưởng phòng tư vấn: Cái vui nhất
là khi thấy một thành viên của chương trình trưởng thành tại trung tâm,
hoặc ngoài xã hội. “À, người này có xuất phát điểm từ Bình Minh ra
đây, là quân Bình Minh đây, vậy là có thêm một người đang thoát khỏi sự
kìm tỏa của ma túy”.
Tôi thắc mắc tại sao ông lại dùng từ “đang” mà không phải từ “đã” …
Ông trả lời rất thật, rằng đã mắc “chứng nghiện”, thì phải cẩn trọng
giữ sạch cả đời, bởi bất cứ lúc nào cũng có thể tái nghiện, và ông mong
sao được tư nhủ điều này thường xuyên hơn, khi bất chợt gặp một bạn nào
đang trưởng thành ngoài xã hội. Ông rất tâm đắc với câu nói của các
chuyên gia Mỹ về công tác cai nghiện: “Being clean is easy, but staying
clean is very difficult” (rất dễ dàng để sạch, nhưng vô cùng khó để giữ
sạch).
- Cái tên Bình Minh ra đời từ năm 2002 cũng đã cô đọng được mong
muốn và giá trị của chúng tôi, và là một phần rất quan trọng được các
học viên nhắc đi nhắc lại mỗi ngày: “Tôi xin hứa sẽ giữ trong sạch trong
24h”. Chúng tôi muốn tạo ra một thói quen, một phản xạ có điều kiện cho
các học viên tự nhủ với chính bản thân mình mỗi buổi sáng. Khi nào các
em học viên hiểu rằng, chính các em chứ không phải ai khác, đang tạo ra
một Bình Minh cho chính bản thân mình, thì khi ấy, chúng tôi thành công.
Anh Thắng nói thêm: Trong trung tâm có nhiều bạn có HIV dương
tính, nhưng uống ARV đều và có một cuộc sống bình thường, do ARV duy trì
được tình trạng bình thường của hệ miễn dịch. Những người có H+ mà còn
kiên quyết từ bỏ ma túy, thì hà cớ gì những bạn chưa dương tính với HIV
lại không muốn làm lại cuộc đời.
Ông bật cười, nói thêm:
- Anh biết vì sao bao nhiêu năm nay, mà vẫn rất ít người biết về
chúng tôi không? Vì chúng tôi không chủ trươngtruyền thông nhiều, mặc dù
không phải vừa làm vừa thử nghiệm phương pháp “Hồi phục 12 bước”. Chúng
tôi không kinh doanh để kiếm tiền. Chúng tôi thu tiền để duy trì cuộc
sống cho những con người đang cùng chúng tôi chiến đấu, để trả lương cho
chính các thành viên đã trưởng thành đang làm việctại trung tâm.
Bước ra khuôn viên của trung tâm, lướt qua một cuộc họp nhanh của đội
ngũ bảo vệ, tôi thấy gương mặt họ dường như đã không còn dấu tích của
những cuộc ăn chơi sa ngã, mà thay vào đó, là những ánh mắt nghiêm túc,
đầy tinh thần trách nhiệm, rất sẵn sàng nâng đỡ và truyền dạy cho lớp kế
cận.
Bắt tay những con người đã và đang dạn dầy kinh nghiệm với “chứng
nghiện”, tôi chứng kiến đội ngũ tư vấn đang làm việc với gia đình một
học viên với thái độ nhẹ nhàng. Không ai có thể biết rằng, họ từng bị
phụ thuộc vào ma túy, nhưng hoàn toàn không hề e ngại người khác biết về
điều đó. Họ hay nói đùa: “Hãy xem đó là một trải nghiệm gian nan
trong cuộc sống, mà khi vượt qua được, con người ta sẽ thấy mình giá trị
hơn, sẽ nghiêm túc hơn với cuộc đời mình và sẵn sàng hơn chìa tay ra
với những cuộc đời muốn làm lại”.
Như tôi đã nói, đó chính là con đường giá trị nhân văn mà tôi cảm
nhận được một cách sâu sắc về lối đi và hiệu quả thầm lặng của chương
trình “Hồi phục 12 bước”. Có thể xem đây là một cứu cánh, gieo niềm hy
vọng cho gia đình và bản thân “người nghiện”, như một ngọn nến nhỏ trong
đêm, như tiếng gà gáy sáng báo buổi bình minh cho một trang cuộc đời
mới.
Ai thích hoa hồng trải lối đi? Gian nan, trần ai và vất vả lắm, chẳng
chơi đâu. Bởi vì ngay trong cái hào nhoáng lộng lẫy của cành hoa hồng,
là đầy gai.
Phúc Thiện
MA TÚY VÀ SỰ TỪ BỎ ĐẦY CAM GO CỦA TÔI
Tôi là H.T.N
Tôi mượn những dòng chữ này để
tâm sự và chia sẻ về cuộc đời tôi khi vướng vào vòng xoáy của ma túy. Và phép
lạ nào đã giúp tôi vượt qua những khó khăn, gian khổ để có một quá trình hồi
phục tốt như ngày hôm nay.
Cha tôi mất sớm, mẹ có gia đình
riêng nên từ nhỏ tôi phải sống chung với bà nội và các cô. Cũng chính vì thiếu
tình thương của mẹ và sự dạy dỗ của cha nên tôi đã sớm trở thành đứa trẻ hư
hỏng. Ban đầu thì tụ tập với đám bạn cũng hư hỏng nào là rược, bia, thuốc lá.
Sau đó là đến thuốc tây rồi đến cần sa và cuối cùng tôi cũng đã chuyển sang hút
ma túy, đó là vào năm 1997 lúc đó tôi mới chỉ 16 tuổi. Suốt nhiều năm sau đó
tôi cứ lẩn quẩn trong vòng xoáy ma túy mãi không sao rút ra được. Cứ cai rồi
lại nghiện, lúc cai ở nhà, lúc thì đi về quê xa lánh bạn bè rủ rê nhưng đâu vẫn
hoàn đấy. Thậm chí, mỗi lần cai hay từ quê về chứng nghiện của tôi càng trở nên
nặng nề hơn. Vì thế tôi đã chuyển từ hút sang chích mới thỏa mãn được những cơn
nghiện và chỉ có chích tôi mới đủ tiền để mua được ma túy.
Chứng nghiện của tôi ngày càng
trầm trọng, nên gia đình đành làm đơn gửi tôi đi cai nghiện bắt buộc. Tôi còn
nhớ lúc đó là ngày 01/03/2002 tôi được đưa vào TTCNMT Bố Lá, tại đây tôi ở được
02 tháng thì được chuyển đến TTCNMT Nơ
Trang Long. Nhưng ở đây chỉ được hơn một năm. Sau đó, tôi lại được chuyển đến
TTCNMT Trọng Điểm (nay là bệnh viện Nhân Ái).
Vào cuối năm 2006, tôi nhận được
quyết định tái hòa nhập cộng đồng trở về gia đình. Những tưởng sau 05 năm ròng
rã gian khổ tôi có thể từ bỏ được ma túy. Nhưng cũng chỉ được vài tháng sau khi
tái hòa nhập cộng đồng tôi đã tái nghiện. Và những tháng ngày tối tăm trước đây
tái hiện trong cuộc đời tôi, tôi đau khổ vật vã vì ma túy. Trải qua biết bao
nhiêu tủi nhục, đau đớn về thể xác lẫn tâm hồn tôi quyết định thoát ra khỏi
cuộc sống đầy bế tắc này. Tôi tìm kiếm, dò hỏi nhiều nơi chỗ nào có thể cai
nghiện và làm lại cuộc đời, và trong một lần tình cờ tôi được một người bạn
giới thiệu đến TTCNMT Làng Bình Minh, nơi này có nhiều người thoát ra khỏi vòng
xoáy ma túy. Nên tôi xin gia đình vào TTCNMT Làng Bình Minh cai nghiện.
Theo chương trình trị liệu của
TTCNMT Làng Bình Minh ban đầu vào tôi qua giai đoạn cắt cơn. Sau đó, tôi được
tham gia vào lớp điều trị tâm lý chuyên sâu, đó là chương trình “12 bước”. Sau
khi tham gia lớp học này tôi mới nhận biết rất nhiều điều mới trong việc điều
trị cho người nghiện phòng, chống tái nghiện. Những điều này tôi chưa từng được
biết đến trong những lần đi cai nghiện bắt buộc trước đây. Ngoài chương trình
“12 bước” tôi còn được trung tâm tạo điều kiện cho tham gia vào các lớp học về
“giá trị của cuộc sống” tại trung tâm Giá Trị Sống. Qua những lớp học trên con
người tôi như trở nên con người mới, như một xác không hồn, nay đã sống lại.
Nói như thế không có nghĩa là
việc việc điều trị trong trung tâm đều suôn sẻ. Nó cũng là một cuộc chiến cam
go, gian khổ và vô cùng khốc liệt. Theo chương trình là quãng đường nhiều tháng
ròng rã, đối với người nghiện quả là sự kiên nhẫn, đấu tranh tư tưởng rất dữ dội
giữa việc tiếp tục điều trị hay ra về. Để có thể trở thành như ngày hôm nay,
tôi cũng như một số anh, em ở đây cũng vài lần vấp ngã, cũng tái nghiện.
Nhưng tôi đã giữ “sạch” đến nay
cũng đã vài năm kể từ lần tái nghiện gần đây nhất. Ngoài sự quyết tâm của bản
thân, sự động viên từ gia đình, đặc biệt là tôi đã được sự dìu dắt, dạy dỗ của
những người thầy trong trung tâm. Những người luôn nỗ lực bằng mọi phương thế
để kéo chúng tôi ra khỏi vũng lầy ma túy. Thành công trong việc cai nghiện của
tôi ngày hôm nay, không chỉ là sự nỗ lực bản thân, mà tôi đã gặp được đúng nơi
điều trị, đúng thầy, đúng thuốc. Nơi đã mang lại những điều trước đây tôi đã tự
mình đánh mất, tôi tìm lại bản thân mình, điều lớn nhất là tôi tìm lại được
niềm tin với mọi người xung quanh. Tôi thấy trong mình sự bình an và những sự
ghẻ lạnh, xa lánh, kỳ thị của những người xung quanh cũng dần dần biến mất.
“Tôi là người nghiện đang hồi
phục”, đây là câu nói thường trực mỗi sáng tôi tự nhắc nhở mình trong quá trình
hồi phục của tôi. Tôi vẫn đang công tác tại trung tâm, vẫn làm việc như bao
người bình thường khác, và tôi cảm thấy hạnh phúc, an bình với cuộc sống mà tôi
chưa từng được hưởng trong suốt thời thanh xuân của tôi. Có được điều này tôi
xin chân thành cám ơn TTCNMT Làng Bình Minh đã điều trị cho tôi hiệu quả, cho
tôi một quá trình hồi phục hiệu quả, biến tôi trở nên con người tốt như ngày
hôm nay. Một lần nữa xin chân thành cám ơn trung tâm!
Trong một lần tình cờ đi mua hàng ngoài chợ gặp được một phụ huynh.
Người viết: chào chị! chị có khỏe không? trông chị có vẻ rất phấn khởi, yêu đời?
Phụ huynh: dạ khỏe anh, chắc là lúc này bớt lo nghĩ nên sức khỏe tốt hơn.
Người viết: cháu nó sao rồi chị?
Phụ huynh: tốt lắm anh, từ lúc rời trung tâm đến nay cháu nó như một người hoàn toàn khác không như trước đây.
Cháu nó giữ được giờ giấc sinh hoạt bình thường, sáng dậy sớm, ăn sáng, phụ gia đình, rồi xem phim, giải trí. Không như trước là đi chơi khuya rồi sáng ngủ vùi đến trưa... Điều đặc biệt là cháu hết sức lễ phép. một câu là dạ, hai câu là thưa. Trước đây cháu rất cộc cằn, thô lỗ và thường nói câu nhát gừng đối với mọi người. Đáng mừng là cháu nó không còn tự tập với đám bạn bè xấu trước đây nữa, có khi chúng nó tới tận nhà rủ đi, nhưng cháu cự tuyệt không đi và điện thoại cháu cũng cắt số đổi số mới để không còn phải nghe điện thoại của bạn bè rủ rê. Nhìn chung, cuộc sống gia đình như gỡ bỏ được gánh nặng từ khi cháu từ trung tâm trở về. Ngay bố cháu là một người mang bệnh đột quỵ bây giờ sức khỏe cũng đã được cải thiện rõ ràng.
Gia đình rất biết ơn trung tâm, nếu cháu nó mà không được giáo dục tốt thì không biết bây giờ cháu nó đã ra sao. Cháu nó có những thay đổi tốt là cũng nhờ các thầy, các anh đã thương chỉ bảo, dạy dỗ cho cháu nên người. Mặc dù vậy gia đình vẫn luôn sát cánh cùng cháu, nâng đỡ và kèm cặp cháu để cháu luôn thấy rằng gia đình luôn là nơi mà cháu cần là mái nhà yêu thương.
Người viết: chúc mừng gia đình chị, như thế là tốt cho cháu. Nhưng chị hết sức lưu ý "Nghiện là bệnh mãn tính" nó có thể tái phát bất cứ lúc nào. Nên chúng ta cần phải hết sức lưu ý đến cháu tránh cho cháu những tổn thương tình cảm, những áp lực cuộc sống... để cháu có cuộc sống lành mạnh và khỏe khoắn trước căn bệnh. Chúc cháu và gia đình luôn giữ được sự hạnh phúc, vui vẻ, đầm ấm như hiện nay, chào chị.
Phụ huynh: cám ơn anh và trung tâm rất nhiều

Hình ảnh một lớp học tại trung tâm
|
|