Trong 6 tháng đầu năm 2020, qua công tác giám định kỹ thuật hình sự, Công an TP Hà Nội đã phát hiện một số chất ma túy mới trên địa bàn Thủ đô. Đó là chất ma túy có tên định danh là: "5F-MDMB-PICA"; chất này vừa được bổ sung vào danh mục các chất ma túy, số thứ tự 145, danh mục 2, Nghị định 60/NĐ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đan Phượng nắm được thông tin về Nguyễn Văn Khánh, trú tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội sử dụng dạng ma túy này dưới dạng điếu thuốc có đầu lọc viền kẻ màu vàng, bị sốc phải cấp cứu tại Bệnh viện Đan Phượng.
Qua khai thác, Khánh khai đã mua của Nguyễn Thị H (người cùng huyện) 29 điếu thuốc đầu lọc đựng trong 5 hộp, ngoài vỏ có ghi dòng chữ Dominix.
Ngày 6/6/2020, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đan Phượng đã trưng cầu giám định, xác định: Thảo mộc khô dạng sợi màu vàng bên trong 29 điếu thuốc đầu lọc là dạng ma túy 5F-MDMB-PICA, thuộc nhóm cần sa tổng hợp được tẩm vào các mẫu thảo mộc, thực vật khô... có tác dụng gây ảo giác mạnh hơn cần sa tự nhiên gấp nhiều lần.
Hơn 300g nấm khô do Nguyễn Trần Tuấn Phương trồng bị thu giữ
Đáng chú ý trong số ma túy dạng mới vừa bị phát hiện, có loại ma túy dạng nấm, nhìn cảm quan như nấm ăn bình thường. Ngày 7/6/2020, sau khi phát hiện Nguyễn Trần Tuấn Phương, sinh viên năm thứ nhất ngành công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, trú tại phường Quang Trung, quận Đống Đa, TP Hà Nội, có hành vi tự trồng và rao bán trên mạng, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy đã thu giữ số "nấm thức thần" này để gửi trưng cầu giám định tìm chất ma túy trong các cây nấm khô do Phương trồng.
Qua giám định kết luận cây nấm khô có chất ma túy loại Psilocine. Đây là dạng ma túy đã có trong danh mục các chất ma túy của Chính phủ qui định. Khi sử dụng sẽ gây ảo giác, ảo thanh, lạm dụng chất này dẫn đến hoang tưởng, hoảng sợ và lo lắng thường xuyên, tình trạng biểu hiện như bệnh nhân tâm thần phân liệt.
Trong một diễn biến khác, ngày 12/6/2020, Cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn cũng đã gửi mẫu trưng cầu giám định đối với loại bột màu trắng thu được của một đối tượng người nước ngoài.
Qua giám định xác định đây là ma túy có tên gọi N-Ethylhexedrone. Sử dụng loại ma túy này sẽ gây ảo giác thị giác, giảm mức độ ý thức, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, tăng thân nhiệt, rung giật nhãn cầu rối loạn cảm xúc. Chất ma túy này cũng vừa được bổ sung vào danh mục các chất ma túy, số thứ tự 416, danh mục 2, Nghị định 60/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Ngoài ra, qua công tác giám định số tang vật do Cơ quan CSĐT các cấp thuộc Công an TP Hà Nội chuyển đến, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hà Nội đã phát hiện một số mẫu tang vật có chứa chất có tính năng, tác dụng như chất ma túy, nhưng chưa có trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam như: 3-MMC, 2-FMA, 4-HO-MIPT, 2/3-FEA.
Như vậy, tội phạm ma túy ngày một tinh vi, biến tượng các loại ma túy dưới hình thức khác nhau để che giấu sự phát hiện của cơ quan chức năng. Vì vậy, việc nắm bắt các loại ma túy mới, để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn là công việc thường xuyên của công an các cấp, nhất là lực lượng phòng chống tội phạm về ma túy. Qua đó, cũng là kiến thức cần thiết để người dân nâng cao cảnh giác trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày.
Đào Minh Khoa (CAND)
- 19/12/2020 02:00 - Hiểm họa từ chất gây nghiện mới
- 25/11/2020 09:34 - Gây án với người thân: Nguyên nhân chính vẫn là…“ngáo đá”!
- 13/11/2020 14:56 - Lấp lỗ hổng pháp lý về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy
- 14/09/2020 10:02 - Dẹp “tiệc ma túy”, cần trám kẽ hở nào?
- 04/08/2020 15:37 - Dự thảo Luật phòng, chống ma tuý xử lý tội phạm quyết liệt hơn
- 04/07/2020 09:20 - Đấu tranh với tội phạm tiền chất, ma túy tổng hợp
- 23/12/2019 14:50 - Điều tra thông tin bánh bích quy chứa cần sa bán trên mạng
- 21/10/2019 09:23 - Cách nhìn mới, biện pháp mới ngăn chặn tệ nạn ma túy
- 20/04/2019 07:00 - Giám định hàm lượng ma túy: Rắc rối, bất cập
- 09/04/2019 09:29 - Phát hiện chất ma túy mới, thu được của học sinh, sinh viên